(ĐSPL) - Trong 3 năm qua, có 71 trường hợp bị oan sai - chiếm 0,02\% trong tổng số gần 340.000 người bị khởi tố điều tra.
Theo tin tức trên báo Lao Động, sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Hiện đọc Báo cáo Kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Báo cáo chỉ rõ thiếu sót, vi phạm trong thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án từ 2011 đến 2014. Đoàn giám sát nhận thấy, việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm.
Trong 3 năm qua, có 71 trường hợp bị oan sai - chiếm 0,02\% trong tổng số gần 340.000 người bị khởi tố điều tra. Đây là con số chính thức được đưa ra trong báo cáo giám sát về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận sáng nay. Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan khi để oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử. Theo đó, có 43 trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, 27 trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường của Viện kiểm sát. Đối với Tòa án, khi xét xử còn để oan 1 trường hợp. Theo VTV |
Qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương (Bắc Giang, Bình Thuận, Long An, Bình Phước, Cao Bằng, Hải Phòng), công tác điều tra, thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như các vụ.
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan về tội giết người, cướp tài sản là do quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ dấu chân nhưng không tiến hành giám định dấu vết chân này để truy nguyên cá biệt, xác định chính xác người có mặt tại hiện trường (sau này giám định lại thì không phải là dấu chân của ông Chấn mà đó chính là dấu chân của hung thủ Lý Nguyễn Chung), bỏ qua chứng cứ ngoại phạm khác rất quan trọng là tại thời điểm xảy ra vụ án có 02 nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giùm điện thoại cho người khác gọi. Sau 10 năm, đến nay ông Chấn mới được minh oan.
Vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội ”Giết người” và “Tội cướp tài sản”. Quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng. Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợ dây mà cơ quan điều tra thu giữ được lại là sợi dây khác. Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của Nén. Các lời khai của Huỳnh Văn Nén mâu thuẫn lúc nhận tội, lúc không nhận tội, trong khi Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt. Vụ án này, năm 2014 đã phải giám đốc thẩm, hủy án để điều tra lại từ đầu.
Vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) bị kết án về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, sai sót trong quá trình khám nghiệm hiện trường đã không tổ chức nhận dạng nạn nhân để xác định người bị giết có phải là cháu Út hay không; thu giữ đồ vật, tài sản không có lệnh của người có thẩm quyền, việc ghi biên bản mô tả đồ vật, tài sản thu giữ thiếu chính xác, dùng từ ngữ thể hiện tùy tiện, làm cho cùng một vật chứng lại có cách hiểu khác nhau. Điều tra viên ký vào biên bản lấy lời khai của nhiều cán bộ. Việc ghi lời khai nhân chứng có những chi tiết quan trọng lại không đúng với lời khai. Vụ án này không oan, nhưng do quá trình điều tra ban đầu có sai sót, vi phạm này dẫn đến vụ án phải xét xử đến 07 lần, gần 10 năm mới kết thúc, gây dư luận xã hội không tốt.
Vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án về tội "Giết người" và "cướp tài sản". Quá trình khám nghiệm hiện trường không chú trọng xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân, như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra, đó là hung khí vụ án thì đã bị thất lạc, không tìm lại được. Việc lấy chiếc ghế khác để làm "vật chứng" thay cho chiếc ghế phản ánh trong Biên bản khám nghiệm hiện trường là ấu trĩ, không đáng có, dẫn đến hoài nghi về tính khách quan của kết quả điều tra. Không xác định thời gian chết của hai nạn nhân, kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án còn đơn giản, thiếu chặt chẽ. Có nhân chứng nhìn thấy một thanh niên ngồi trong phòng nạn nhân Hồng có đặc điểm (mặt tròn, da sáng, tóc cắt ngắn) tương đồng với đặc điểm của Hồ Duy Hải nhưng không được tổ chức nhận dạng. Đây là những thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng mà gia đình Hải và luật sư dựa vào đó để kêu oan cho Hải.
Hồ Duy Hải. |
|
Vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” đang có nhiều đơn kêu oan. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy, Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm Trung và Hoàng về hai tội giết người và cướp tài sản là đúng, đủ căn cứ, không oan. Tuy nhiên, vai trò của Chưởng như thế nào trong tội giết người như Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết bị hại hay không chưa rõ. Đây là căn cứ rất quan trọng cần được làm rõ để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất hành vi, vai trò của Chưởng trong tội giết người.
Vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, ngoài lời khai nhận của bị can, quá trình điều tra như khám nghiệm hiện trường không thu thập được dấu vết, chứng cứ khác về hành vi hiếp dâm, giết người; chưa làm rõ thời gian chết và việc sử dụng thời gian của bị can, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn… năm 2014, TAND Tối Cao giám đốc thẩm, hủy án để điều tra, xét xử lại.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Ảnh: Báo Dân Trí. |
|
Khẩn trương bồi thường cho ông Chấn
Theo báo Tuổi Trẻ, đồng thời với báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết “về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự” đã được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét.
“Khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long an), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường” - dự thảo nghị quyết viết.
Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu: Trong năm 2015 và 2016, VKSND tối cao, Bộ Công an, TAND tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết xong 11 vụ án đã kéo dài trên 05 năm và các vụ án khác dư luận quan tâm; sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại đối với vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) và vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng).
Đồng thời, có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm vụ án Hồ Duy Hải (Long An), vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng).
Ngăn chặn bức cung, nhục hình
“Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra thu thập chứng cứ, không để xảy ra bức cung, nhục hình; nâng cao chất lượng điều tra, kỹ thuật khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đối với các vụ án giết người và có báo cáo đề xuất với Chính phủ về kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động điều tra, nâng cấp cơ sở giam giữ quá tải hoặc xuống cấp nghiêm trọng” - dự thảo nghị quyết có đoạn.
Đánh giá về số lượng 71 trường hợp oan, sai được phát hiện trong ba năm qua, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chung nhận định đây là con số không nhiều, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các vụ được điều tra, truy tố, xét xử.
“Không nhiều, nhưng dù làm oan một người cũng phải xem trọng” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước bình luận. Trong khi Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói rằng “oan, sai chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng có những vụ làm rúng động xã hội”.
Từng giữ cương vị giám đốc công an tỉnh, ông Ksor Phước đặc biệt quan tâm đến tình trạng oan, sai có liên quan đến công tác điều tra, truy xét. “Tôi không thể ngờ được có những vụ mà bốn, năm đồng chí cùng hùa vào để bức cung, nhục hình người ta.
Tôi không thể chấp nhận được trong lực lượng công an lại có những con người như thế. Một số địa phương xảy ra oan sai nhiều, vậy các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó có tại vị hay không?” - ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị nên phân tích, làm rõ trong số các vụ oan, sai phát hiện trong thời gian qua thì những vụ nào xảy ra từ trước, thuộc trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn trước đây, vụ nào vừa mới xảy ra và thuộc trách nhiệm của cá nhân đương nhiệm.
Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ án Hồ Duy Hải
Kim Thành(Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-quyet-dut-diem-mot-so-vu-an-co-dau-hieu-bi-oan-a90544.html