(ĐSPL) - Thực tiễn xét xử, một số VKS đã không ra một bản cáo trạng khác mà vẫn giữ nguyên bản cáo trạng cũ rồi làm công văn chuyển hồ sơ đến toà án để thụ lý lại. Cách làm này là trái pháp luật.
Thạc sỹ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự, TANDTC nhận xét về tình trạng hàng loạt vụ án oan bị phanh phui trong thời gian qua.
Người tù oan Nguyễn Thanh Chấn. |
Án oan sai ban đầu vì lý do chủ quan hoặc khách quan của một số điều tra viên gây ra, nhưng chịu trách nhiệm lại thuộc Hội đồng xét xử (HĐXX), trong khi trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lại chưa được nhắc đến nhiều.
Từ thực tế đó, giới chuyên gia kỳ vọng, Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi đang được đưa ra bàn thảo sẽ đảm bảo nguyên tắc xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
PV bo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý về vấn đề này.
Thạc sỹ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự, TANDTC: Hiện vẫn còn tồn tại cách làm trái pháp luật.
Để các vụ án xét xử đúng người, đúng tội cần phải thấy rõ trách nhiệm và vai trò của VKS. Có thể thấy, trong thời gian chuẩn bị xét xử, các quyết định chủ yếu do toà án thực hiện.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc truy tố đúng người đúng tội, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi cũng quy định, trong thời gian chuẩn bị xét xử VKSND cũng có thể ra một số quyết định như: Quyết định rút quyết định truy tố; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án sau khi toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung và một số quyết định khác theo quy định của BLTTHS.
Trong các quyết định trên, thì quyết định rút quyết định truy tố là quyết định trong thời gian chuẩn bị xét xử, còn các quyết định khác thực chất là trong giai đoạn truy tố nhưng vì có liên quan đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, vì các quyết định này sau khi toà án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Chính vì thế có thể nhận ra, trước, trong và sau vụ án, VKSND giữ một vai trò quan trọng trong việc giám sát, đánh giá đối với các vụ án. Chỉ cần làm tròn vai trò của mình, VKSND cũng có thể hạn chế được rất nhiều các vụ án gây tranh cãi.
Mặt khác, về nguyên tắc, sau khi tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vụ án được trở lại giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, dù kết quả điều tra bổ sung như thế nào, VKS cũng phải ra quyết định truy tố bằng một bản cáo trạng khác, kể cả trường hợp sau khi Toà trả hồ sơ, VKS không đồng ý với quyết định trả hồ sơ của Toà thì VKS vẫn phải ra quyết định truy tố bằng một bản cáo trạng khác. Thực tiễn xét xử, một số VKS đã không ra một bản cáo trạng khác mà vẫn giữ nguyên bản cáo trạng cũ rồi làm công văn chuyển hồ sơ đến toà án để thụ lý lại. Cách làm này là trái pháp luật.
Tiến sỹ Đỗ Cao Thắng, nguyên thẩm phán TAND tối cao: Có thẩm phán đọc hồ sơ rất kỹ nhưng không có khả năng phân tích
Có thể nhận thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ làm một nhiệm vụ là đọc bản cáo trạng; tham gia thẩm vấn và trình bày luận tội đề nghị buộc tội bị cáo về toàn bộ hoặc một phần bản cáo trạng – đó là về lý thuyết. Thực tế, kiểm sát viên không được chủ động, luôn bị động, lúng túng khi bị phản biện, rất ít đối đáp lại luật sư mà thường nêu rằng, kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm như đã truy tố...
Có nghĩa rằng, những quan điểm trước đó của kiểm sát viên đã được báo cáo, được lãnh đạo cho ý kiến nên họ thường ỷ lại mà không chủ động tranh luận với luật sư cũng như những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, do được sự hỗ trợ của HĐXX nên mọi việc cũng trôi chảy.
Theo quy định của pháp luật TTHS, thì trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, hồ sơ vụ án được thu thập theo quy định của BLTTHS do CQĐT và VKS thực hiện, thẩm phán hoàn toàn không được tham gia, chứng kiến các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu của CQĐT. Do đó, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án là vô cùng quan trọng.
Mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án không chỉ để ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2, Điều 176, BLTTHS, mà còn phát hiện những vi phạm trong hoạt động tố tụng của CQĐT, VKS và nếu vụ án được đưa ra xét xử thì đó còn là tập tài liệu để thẩm phán chủ tọa phiên toà sử dụng trong quá trình xét xử.
Thực tiễn xét xử cho thấy, có nhiều trường hợp do nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ đã dẫn đến việc ra các quyết định không đúng với khoản 2, Điều 176, BLTTHS như: Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, nhưng vấn đề cần điều tra bổ sung đã được thu thập và có trong hồ sơ vụ án; có trường hợp do vụ án phải điều tra bổ sung nhiều lần nên trong hồ sơ vụ án có nhiều bản cáo trạng khác nhau, nhưng do nghiên cứu không kỹ nên lẽ ra phải xét xử theo bản cáo trạng A thì Toà lại xét xử theo bản cáo trạng B.
Có không ít trường hợp, thẩm phán chủ tọa phiên toà đọc hồ sơ vụ án rất kỹ nhưng lại không có khả năng phân tích, tổng hợp nên không nắm được các tình tiết của vụ án, dẫn đến ra bản án không đúng pháp luật. Trường hợp, chủ tọa phiên toà khi nghiên cứu hồ sơ vụ án đã không thể hiện tính khách quan, chỉ chú tâm nghiên cứu các tài liệu là chứng cứ buộc tội mà bỏ qua các tài liệu là chứng cứ gỡ tội cho bị cáo hoặc ngược lại...
Tóm lại, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự để chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà còn nhiều thiếu sót, nhiều vụ án bị huỷ, bị sửa hoặc bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ vì chủ tọa phiên toà nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ.
Luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc công ty Luật hợp danh Sự thật: Tự tạo chứng cứ phải chịu trách nhiệm hình sự
Mọi người khi đã tham gia vào quá trình của tố tụng thì được đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật. Theo quy định hiện hành thì chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng và cụ thể là những người tiến hành tố tụng có quyền thu thập chứng cứ, những chứng cứ được chấp nhận là những chứng cứ đầy đủ những thuộc tính theo quy định.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là ngoài những cơ quan, người trên thì ai có quyền thu thập chứng cứ? Trên thực tế tại phiên tòa, nhiều trường hợp luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân... có đưa ra những chứng cứ tại phiên tòa nhưng nhiều khi không được công nhận, mặc dù những tình tiết đó có liên quan đến vụ án. Vì thế, trong sửa đổi BLTTHS tới đây, việc bổ sung nguyên tắc về “Thu thập, bổ sung chứng cứ”, những người nào cung cấp sai sự thật, tự tạo chứng cứ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phân tích của một chuyên gia đến từ khoa Luật (đại học Quốc gia Hà Nội), nếu những chủ thể tiến hành tố tụng cố ý lách luật, lợi dụng những kẽ hở trong pháp luật TTHS để bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội sẽ rất khó phát hiện. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình tội phạm ẩn và tiềm ẩn tăng lên đáng kể, nhiều tội phạm lọt lưới luật pháp và cũng nhiều người vô tội phải vô phúc đáo tụng đình.
Bi kịch “ngàn ngày oan trái” Qua các vụ án oan, một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là luôn có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, kết luận vụ án luôn là kết quả của sự truy xét qua áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng, có dấu hiệu mớm cung, bức cung trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm này hầu như không chứng minh được hoặc không được HĐXX xem xét. Để minh chứng cho hiện tượng này, trò chuyện với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về vụ án trộm cắp cổ vật xảy ra tại Bắc Giang cách đây hơn chục năm. Trong các năm 2001 - 2003, liên tiếp xảy ra 7 vụ mất trộm tại các đình, chùa thuộc tỉnh này. Tài sản bị mất có tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Vụ án trộm cắp tài sản được công an một số huyện khởi tố, sau đó nhập về Công an tỉnh Bắc Giang điều tra. Theo TS. Nhũ, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 8 nghi phạm. Không hiểu điều tra viên khéo “động viên” kiểu gì mà nghi phạm đầu tiên bị bắt, sau khi tự nhận ăn cắp cổ vật đã... “tồng tộc” khai ra những đồng phạm khác. Lần đó, VKSND tỉnh đã truy tố các đối tượng về tội trộm cắp tài sản. TAND tỉnh đã phải mở 3 phiên tòa để xét xử các bị cáo, nhưng đều phải hoãn để điều tra bổ sung. Đến phiên tòa lần thứ tư, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa đã tuyên, không đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo, trả tự do cho các bị cáo ngay tại phiên toà. Tính ra, cả 7 người bị giam oan xấp xỉ 1.000 ngày đêm với lời buộc tội “như đinh đóng cột” của VKSND tỉnh Bắc Giang. Trước tòa, những chứng cứ buộc tội của VKS đã bị các bị cáo và luật sư chỉ rõ sự thiếu căn cứ, thậm chí có những chứng cứ được coi là giả mạo khiến HĐXX phải ba lần trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) bổ sung và tuyên bố hủy bỏ biện pháp giam giữ đối với các bị cáo. Một điều đáng buồn, khi không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo, CQĐT bèn lấy lý do “hết thời hạn điều tra” để đình chỉ vụ án, “đá quả bóng trách nhiệm” sang VKSND tỉnh Bắc Giang(?!). Bi kịch “ngàn ngày oan trái” của các bị cáo đã chìm trong vô vọng khi CQĐT... lặng thinh. Theo TS. Nhũ, lần đó, các bị cáo may mắn được giải oan nhờ sự sáng suốt của vị “quan tòa”. “Tại sao lần đó, thẩm phán lại tuyên hủy được, còn vụ ông Nguyễn Thanh Chấn thì không? Cũng tại Bắc Giang nhưng sao có “quan tòa” làm được mà có người lại không? Đó là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ”, vị nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao trăn trở. |