Bước vào căn nhà cấp bốn vỏn vẹn hơn chục mét vuông, tôi bắt gặp một thân thể nhỏ bé, gầy guộc nằm co quắp trong bộ quần áo đã sờn màu, những hơi thở khó nhọc, đôi mắt đã mờ đi nhìn chơi vơi vào khoảng không một cách vô định.
Bà Dương Thị Sán, 72 tuổi, sống tại Đồng Găng, Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Hữu Oanh |
Cuộc đời là những mảng tối màu
Bà Sán năm nay 72 tuổi, bị liệt và không thể tự sinh hoạt đã 42 năm. Hơn bốn mươi năm trời bị dày vò về cả thể xác lẫn tinh thần, cuộc đời bà gắn liền với bệnh tật bên góc giường sập xệ, tồi tàn. Bà sinh năm 1945, sau khi lập gia đình đến năm 27 tuổi thì bị bệnh đau khớp chân khó khăn trong đi lại. Gia đình tìm mọi cách cứu chữa, “có bệnh thì vái tứ phương” nên phải thử hết thầy này đến lang kia cả thảy 33 người mà vẫn không khỏi.
Đến năm 1975 thì bà bị sốc thuốc vì quá liều, chân tay cứ thế bị co quắp lại làm mất khả năng hoạt động và bại liệt dần. Năm ấy, chồng bà đi làm ăn xa xứ ở tận Thái Nguyên, nhà chỉ có hai mẹ con mà cô con gái thì mới lên 4 tuổi, mọi sự chăm sóc đều nhờ cậy cả vào họ hàng gần xa. Chồng bà, người đáng lẽ ra phải là chỗ dựa vững chắc, che chở lúc này nhất thì lại bỏ lại hai mẹ con bà đi biệt xứ không quay trở về. Cuộc sống lay lắt vốn đã chẳng dễ dàng gì, nay lại mất đi trụ cột gia đình, tương lai trước mắt đều là một màu u ám bao trùm lấy hai mảnh đời cơ cực. Nói đến đây, bà cụ khẽ thở hắt ra một tiếng dài thườn thượt, đôi mắt cụp xuống, ươn ướt như cố ngăn lại những cảm xúc ùa về.
Bà thương xót cho bản thân mình, nhưng còn thương cô con gái gấp trăm nghìn lần vì từ nhỏ đã không có được sự chăm sóc chu đáo từ bố mẹ mà còn phải lam lũ kiếm tiền chăm nom người mẹ bại liệt đau ốm quanh năm. Cô Giang Thị T. năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, thoạt nhìn thì mọi người có thể thấy người phụ nữ này già dặn hơn số tuổi của mình, điềm đạm và hiền lành.
Cô kể cho tôi nghe về những ngày hai mẹ con sống chật vật, khổ sở, chịu sự dè bỉu của những người ác khẩu không chịu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của hai mẹ con. Cô phải đi làm thuê, đi chợ buôn thứ này thức kia, người ta bảo gì làm nấy cốt là kiếm được tiền về lo bữa cháo rau qua ngày. Mẹ đau ốm không thể tự mình chăm sóc nên cô cũng không đi làm ăn xa được, chỉ loanh quanh mãi ở làng trong làng ngoài để còn tiện về nhà chăm mẹ. Tấm lòng thảo thơm và sự hi sinh của cô con gái làm nhiều người cảm phục. Nhờ một số người họ hàng xa giúp đỡ chút vốn mà cô T. đã mở được một sạp tạp hóa nho nhỏ bán vài đồ lặt vặt.
Hàng xóm và người thân thường xuyên đến thăm hỏi và giúp đỡ gia đình bà Sán. Ảnh: Hữu Oanh |
Trong những lúc hai mẹ con bà Sán khó khăn nhất, luôn có những người anh em, bạn bè, hàng xóm tốt bụng giúp đỡ tận tình, chia ngọt sẻ bùi, tuy nhỏ bé thôi nhưng cũng đủ để sưởi ấm trái tim và thổi vào tâm trí họ một nguồn sống mạnh mẽ. Từ căn nhà cho đến những vật dụng như cái tủ, cái bàn, tivi,… đều nhận từ tấm lòng hảo tâm của mọi người và sự hỗ trợ của nhà nước. “Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì đến một túp lều tranh cũng chẳng dựng nổi” – Bà Sán chia sẻ. Thỉnh thoảng có một số nhóm thiện nguyện đến thăm hỏi, động viên, người đỡ đồng tiền, người đỡ bát gạo giúp gia đình cũng bớt chật vật hơn.
Màu sắc sáng ngời của lẽ sống giữa bức tranh cuộc đời u ám
Khi được hỏi về việc tại sao không lập gia đình riêng cho mình, cô T. cũng thẳng thắn chia sẻ: “Cũng có một vài mối ngỏ ý muốn lấy nhưng thân còn mẹ già cần chăm sóc, việc này giống như nghĩa vụ và trách nhiệm của tôi, không thể bỏ được”. Cô cũng nhất quyết từ chối việc chụp ảnh và xin phép tôi được giấu tên. Cô không muốn mọi người bàn tán về mình, chỉ muốn mỗi ngày qua đi nhẹ nhàng, an nhiên, thanh thản.
Bà Sán say sưa kể về những ngày còn khỏe, còn đi lại như người bình thường với một ánh mắt đầy hoài niệm hạnh phúc, hai mẹ con bà rất vui vẻ tiếp chuyện tôi một cách rất niềm nở và nhiệt tình. “Cuộc đời bà đã khổ quá rồi, nên nếu cứ để cái khổ ấy giày vò mình mãi thì cuộc sống không khác gì địa ngục, thế nên cứ điềm nhiên mà sống qua ngày rồi tụng kinh niệm phật tạo phúc cho con là đủ vui rồi” – bà Sán nói.
Có lẽ khi những con người đã sống quá quen trong cái khổ rồi, người ta sẽ cảm thấy trên đời chẳng còn gì có thể làm cho họ buồn thêm nữa, khóc cũng phải sống, cười cũng vẫn phải sống. Những người như bà Sán và cô T. chọn cách sống bình thản trước những khó khăn, đau khổ, vì cuộc đời cần những an nhiên để sống.
Hữu Oanh