Lom khom dọn hàng nước dưới ánh nắng nhè nhẹ của buổi chiều mùa Xuân đâu đó thấp thoáng hình ảnh bà cụ 90 tuổi với khuôn mặt đã in hằn vết chân chim làn da đã chấm đốm đồi mồi tựa lên khuôn mặt tần tảo sớm hôm.
Cụ bà và quán nước nhỏ
Nằm khuất trong lùm cây bến xe phía Tây trên phố Nguyễn Trãi, hơn 30 mươi năm nay một cụ bà 90 tuổi vẫn chung thủy với quán nước chè, ngày đêm mò mẫm mưu sinh để kiếm tiền nuôi mình và trang trải khi ốm đau bệnh tật. Hình ảnh cụ gắn liền với một góc ra vào tại cổng bến xe phía Tây trên con phố tấp nập.
Toàn cảnh bến xe Phía Tây quán nước bà cụ ngay cổng ra vào của bến |
Cuộc sống đã lấy đi của bà những thứ đáng ra bà phải có nhưng số phận nghiệt ngã đã lấy đi người chồng và hai người con trai; một người con gái. Giờ bà chỉ còn một người con gái khuyết tật mất khả năng lao động và cũng đã đi lấy chồng xa. Chị lấy chỗng mãi trên huyện miền núi Quan Sơn xa xôi, cả năm cũng không có dịp về thăm mẹ già. Đó chỉ là một phần những bất hạnh nghiệt ngã đè nặng lên số phận người đàn bà 90 tuổi này. Nhưng vượt qua tất cả, bà vẫn kiên cường sống và mưu sinh…
Những người thường xuyên qua lại trên con phố này đã quá quen thuộc với hình ảnh một cụ bà tóc bạc phơ, đôi mắt đục nhòe. Cụ bà có tên là Nguyễn Thị Cúc. Quán cụ nằm khiêm tốn giữa hàng cây ngay đầu phố.
Gọi là quán cho sang chứ thực ra hàng nước chè của cụ chỉ vọn vẹn một làn rách cũ đựng vài bao thuốc lá, mấy gói hướng dương, đôi ba chai nước, hai phong kẹo lạc và ấm nước chè…
Chân dung cụ bà Nguyễn Thị Cúc 90 tuổi |
Cụ từ lúc sinh ra cho đến hôm nay không một ngày hạnh phúc. Hai vị thân sinh nhà cụ đều mất sớm. Cụ mồ côi cha mẹ từ khi còn rất trẻ. Vì kiếm kế sinh nhai cụ đã đi làm thuê từ rất sớm. Lấy chồng từ năm 20 tuổi, cụ sinh được bốn người con. Nhưng bất hạnh tiếp tục ập xuống gia đình khi hai người con trai của cụ bị bệnh hậu sởi lúc mấy tháng tuổi chạy chữa khắp nơi nhưng ông trời vẫn lấy đi hai người cả con trai của cụ.
Tưởng rằng cuộc sống bất hạnh sẽ dừng lại ở đó. Cho đến một ngày chồng cụ mất đi trong lúc gia đình vô cùng túng quẫn. Ngày chồng mất, cụ gần như suy sụp hoàn toàn, sức khỏe ngày càng yếu đi. Đến khi đôi chân cụ không còn có thể rong ruổi đi bán dạo khắp phố, cụ chọn con phố nơi thân thuộc dọn một quán trà vỉa hè để mưu sinh và tiếp tục nuôi hai người con gái trong đó cô út một tay tật nguyền.
Tình mẫu tử- động lực để sống và nuôi con
Cái hàng nước nơi cụ Cúc ngồi từ trước đến nay vẫn không có gi thay đổi. Nó không to ra cũng không đẹp hơn so với cách đây 30 năm. Những vật dụng mà cụ bán hàng cũng đã đi theo cụ từng ấy năm trời. Không có tiền nên cụ cũng không có hàng dự trữ, chỉ khi nào hết cụ nhờ người quen chạy sang đại lý cuối phố mua về bán tiếp.
Trong khi cụ sống lại những kỉ niệm xưa, tôi vô tình chạm vào nỗi đau của cụ khi nói chuyện về người con gái thứ ba bị cảm đã mất năm 2005. Cụ lặng im hồi lâu, rồi gục xuống trên đôi bàn tay gầy gò nhăn nheo, đôi mắt đục đang trực trào nước mắt. Lại một lần nữa ông trời không thấu nỗi lòng của cụ đã mang người con gái thứ ba của cụ về một thế giới khác, nỗi đau này biết san sẻ cùng ai.
Cụ chia sẻ cảm xúc thật lòng với chúng tôi nhưng ánh mắt như đang muốn trực trào nước mắt |
Ngày nắng thì không sao nhưng những hôm mưa gió, quán nước cụ không có lấy một bóng người, cụ đành khất nợ tiền thuê phòng để hôm khác trả. Những người cho cụ thuê nhà cũng đôi phần hiểu hoàn cảnh của cụ nên không bao giờ đòi gì, khi nào cụ có thì đưa.
Phòng trọ mà cụ Cúc đang sinh sống sâu bên trong bến xe chỗ che nắng che mưa |
Sống trong bóng tối hơn 30 năm nhưng cụ Cúc hầu như không một ngày nào vắng mặt ở phố Nguyễn Trãi. Vẫn dáng ngồi bé nhỏ, gầy gò giữa hàng cây với xe đẩy nhuốm màu thời gian, dường như cụ không mong ngóng, mà cũng không chờ khách mà để đợi mà nghe những âm thanh nơi phố phường, để cảm nhận sự khác biệt từng ngày của phố hôm nay và hình ảnh góc phố 30 năm về trước.
Đôi mắt ánh lên sự xa xăm về cuộc đời của cụ sẽ đi về đâu |
Bác Sơn một người bán nước trong bến xe - nhà ở Phú Sơn cho biết: "hoàn cảnh bà ấy khổ lắm, già rồi vẫn một thân một mình kiên cường dù trời nắng hay mưa bà ấy đều không quản ngại công việc".
Anh Trịnh Hồng Việt đội cảnh sát trật tự cơ động Công An Thành Phố chia sẻ: Đến dịp lễ như ngày Tết anh vẫn mừng tuổi cụ vì hoàn cảnh khó khăn nên có những hôm có thêm thu nhập thì các làm cùng nhau có cho và hỗ trợ bà một chút quà nho nhỏ, thỉnh thoảng cụ có công việc gì cần thì mình giúp cụ. Có một lần bà cụ ốm mất mấy hôm không ai để ý không ai biết, mấy hôm chả thấybà cụ đâu cả. Mấy hôm sau bà cụ tỉnh lại, anh hỏi bà cụ thì bà bảo ốm trong phòng nên không ai biết, may không việc gì “ may trời cho bà cái sức khỏe”. Mấy hôm không thấy bà cụ ra cứ nghĩ bà đang đi chùa mấy hôm, sau mấy hôm ra thấy bà phờ phạc nên mọi người cũng có hỏi thăm và nấu cháo đưa sang cho bà mới biết bà bị ốm chứ không phải đi chùa.
Với cái gánh hàng nhỏ này, cụ phải kiếm tiền đủ nuôi mình. Bữa sáng kèm bữa trưa thì cụ chỉ ăn 10.000 đồng cháo. Bữa tối là một suất cơm 15.000 đồng. Với cụ thế là đủ. Thi thoảng, có người thương lại mang suất cơm từ thiện biếu cụ hoặc biếu bà 50 – 100.000 đồng đề cụ có thể trang trải cuộc sống, cụ lại khóc nức lên mà không thốt nên lời.
Đêm lạnh xuống, cụ vẫn co ro cần mẫn bên hàng nước, lặng lẽ ngồi nhai trầu, lâu lâu mới có người khách tạt qua mua cho cụ gói thuốc hay lon nước chứ thấy ít người ngồi lại vì cái quán của cụ cũng thật khó để ngồi lâu.
Đường phố Thanh Hóa tấp nập xe cộ, dòng người vẫn cứ sải bước qua quán nước nơi cụ ngồi. Cái dáng của cụ dường như 30 năm không thay đổi, có chăng gầy gò và khắc khổ hơn vì cuộc mưu sinh và bụi thời gian đè nặng.
Hoàng Anh