Để thực hiện Đề án 06 thành công không thể do bất cứ Bộ, ngành nào thực hiện riêng lẻ mà cần sự sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, người dân và các doanh nghiệp.
Đề án 06 của Chính phủ (Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030") được xác định là chương trình quan trọng, đột phá nhằm tạo ra những tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển kinh tế số. Sau hơn một năm thực hiện, đề án 06 đã đạt được những thành công quan trọng ban đầu. Những con số như đã cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách cho nhà nước, đơn giản hóa thủ tục cho người dân, doanh nghiệp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh… chỉ là một trong nhiều hiệu quả mà đề án này mang lại.
Từ những tác động, hiệu quả nêu trên, PV Đời sống & Pháp luật đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục C06 - Bộ Công an để hiểu rõ hơn hững lợi ích thiết thực từ ứng dụng VNeID, cũng như phương hướng trong các giai đoạn tiếp theo để thực hiện thành công đề của đề án này.
PV: Thưa Thiếu tướng, đến nay, tài khoản định danh điện tử mức 2 đã mang nhiều tiện ích cho người sử dụng, giúp giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân phản ánh rằng việc sử dụng ứng dụng VNeID vẫn còn “trục trặc”, gây mất thời gian. Vậy nguyên nhân của tình trạng trên do đâu, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Đồng thời, người sử dụng có thể dùng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia. Tất cả đều đến với mục tiêu cắt giảm các thủ tục không cần thiết, làm sao để thuận lợi nhất cho người dân khi làm các thủ tục dịch vụ công liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các công chức, viên chức.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thì không thể tránh được những “sơ suất” ở giai đoạn đầu. Những “sơ suất” nhỏ nó chỉ là mang tính cá biệt thì ta sẽ càng ngày sẽ càng hoàn thiện. Con chip hiện nó chưa thông minh thì sẽ làm nó thông minh hơn, đường truyền mà nó chậm thì sẽ làm cho nó băng rộng hơn. Việc VNeID yêu cầu phải nhập mật khẩu khi muốn truy cập là để đảm bảo tính bảo mật cao nên khi chưa quen hoặc quên mật khẩu sẽ khiến người dân mất nhiều thời gian hơn.
Ứng dụng VNeID cũng như hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư đang ở giai đoạn đầu. Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục cải thiện, ví dụ như chỉ cần quét nhận diện khuôn mặt là có thể xác nhận danh tính, không cần mở ứng dụng, đồng thời tăng tốc độ nhận diện.
Cục trưởng C06 Nguyễn Quốc Hùng
PV: Nói về ứng dụng VneID, người dân vẫn than “khó” đăng nhập, hay gặp rắc rối khi đổi điện thoại? Thiếu tướng có thể lý giải về điều này?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Thông qua các cơ quan báo chí, đường dây nóng của Cục C06, chúng tôi tiếp nhận nhiều ý kiến về việc ứng dụng VNeID chưa được tiện ích, người dân gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, chúng tôi cũng nhận phản ánh, tại sao ứng dụng VneID của người này lại nhảy vào người khác? Tại sao lại chậm như vậy? Nguyên nhân có thể nằm ở những lý do như: Điện thoại đời cũ không vào được, không tương thích với ứng dụng; hệ thống mạng, đường truyền yếu; người dân chưa thông thạo các thao tác dẫn đến bị nhầm. Thực tế, khi đăng nhập chỉ cần gõ nhầm một số là ứng dụng sẽ nhảy vào người khác ngay. Cùng với đó, người dân dùng máy đời cũ hay những người dùng là người già, không am hiểu công nghệ thông tin nên đăng nhập sai, dẫn tới không thể kết nối. Ngoài ra còn do hệ thống mạng không đảm bảo, kết nối yếu hoặc đăng nhập, sử dụng hệ thống vào thời điểm nhiều người cùng truy cập, dẫn đến nghẽn.
Hiện tại không thể cùng một lúc đưa tất cả các tiện ích vào 1 ứng dụng được, nhưng quan điểm của chúng tôi là sẽ đưa những thiết yếu mà người dân đang cần nhất. Thế nhưng giai đoạn đầu cũng không thể tránh khỏi được những điều mình không mong muốn. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả bộ phận chuyên môn rà soát lại toàn bộ quy trình. Nếu thủ tục, quy trình nào còn rườm rà, chưa thông minh thì phải chỉnh sửa, bổ sung để thông minh, tốt hơn, thuận lợi hơn.. Cùng với đó, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp, báo chí… từ đó, chỉnh sửa để làm sao càng ngày sẽ càng đem lại các tiện ích thuận lợi hơn cho người dân.
PV: 25 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên ứng dụng VneID được đánh giá sẽ mang lại cho người dân rất nhiều khi làm các thủ tục của dịch vụ công, tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu trong việc sử dụng tài khoản định danh điện tử, một số giấy tờ khác vẫn khó tích hợp, gây khó cho người dân. Thiếu tướng có đánh giá gì về vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Để thực hiện được Đề án 06, không thể độc nhất Bộ, ngành nào một mình làm được. Cần sự kết nối, chia sẻ, thống nhất và đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân.
Ví dụ như 1 số giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng nhận đăng kí xe…thì thuộc về Bộ Giao thông vận tải, C06 chỉ xác thực “người này là đúng là người này”, các vấn đề liên quan khác lại thuộc chức năng của Bộ đó. Chính vì vậy, cần có sự kết nối, phối hợp “ăn ý” giữa các Bộ, ngành. Về mặt thể chế xây dựng luật này, nghị định này, các thông tư này, các văn bản hướng dẫn cũng cần có sự đồng bộ chứ không thể chỉ 1 mình Bộ Công an làm được. Từ đó, việc thực hiện được Đề án 06 sẽ nhanh hơn, hạn chế tối đa những “phiền toái” cho người dân.
PV: Những lợi ích của đề án 06 người dân đã được đề cập rất nhiều, vậy với doanh nghiệp, khi sử dụng tài khoản định danh điện tử mang lại lợi ích gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Việc triển khai thực hiện Đề án 06, không chỉ người dân, mà doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Một ví dụ cụ thể sau đây sẽ chứng minh được những lợi ích to lớn khi doanh nghiệp sử dụng tài khoản định danh điện tử. Ví dụ một chiếc tàu đỗ vào cảng Hải Phòng để bốc hàng, trước kia khi chưa có Đề án 06, chưa có tài khoản định danh điện tử, doanh nghiệp sẽ phải rất mất nhiều thời gian để làm thủ tục với các đơn vị liên quan như công an, y tế…Mỗi 1 tiếng đồng hồ đều được tính bằng tiền, tàu đỗ bao nhiêu tiếng là bấy nhiêu tiền. Thay vì trước kia phải đi làm thủ tục giấu tờ thì bây giờ số hoa, anh chỉ cần thao tác trên điện thoại. Thay vì trước đây 8 ngày (ví dụ) thì nay còn 2 ngày, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc mà vẫn đạt hiệu quả tốt. Đó chính là những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn nền kinh tế vận hành nhanh, thay đổi chớp nhoáng.
PV: Trong việc thực hiện Đề án 06 nói chung và cấp mới CCCD gắn chip và kích hoạt tài khoản định danh điện tử nói riêng, có thể nói công sức của lực lượng Công an ở 4 cấp, nhất là cơ sở trong quá trình thực hiện những dự án làm nền tảng cho Đề án 06. Đánh giá của Thiếu tướng về vai trò của lực lượng Công an cấp có sở ?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Tôi trân trọng biết ơn những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH. Và, không chỉ riêng lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, trong những chiến dịch đó, còn là sự vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất của các hệ lực lượng và lực lượng Công an các cấp.
Với sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an, cũng như sự nhiệt tình của các cán bộ công an ở cơ sở, địa phương, đến nay 99% CCCD gắn chip đã được trả cho người dân. Đây là sự cố gắng ngày đêm, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, vị trí địa lý của anh em công an xã/phường để làm được từng chiếc CCCD. Sự khó khăn trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an rất quan tâm động viên.
Về mặt nhà nước, Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới có yếu tố đặc biệt quan trọng trong lực lượng công an nói chung và công an cơ sở nói riêng. Từ Nghị quyết 12, Bộ Công an xây dựng kế hoạch, triển khai tất cả sự quan tâm tới lực lượng công an, trong đó là việc đưa lực lượng chính quy xuống xã.
Về mặt tinh thần, Chính phủ, Bộ Công an, địa phương rất quan tâm về công tác chính trị tư tưởng, động viên khen thưởng kịp thời cho anh em nào có thành tích, có ý kiến, mô hình sáng tạo, hiệu quả. Từ đó trở thành căn cứ để bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, cho đi học/đào tạo...
Về vật chất, Bộ Công an có đề án riêng để bố trí đất nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho công an xã để các anh em có nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Trước kia, lực lượng công an xã phải ở nhờ nhà dân hoặc ở ké trung tâm, nhà văn hóa của xã, không có chỗ ăn nghỉ.Cùng với đó, quan tâm về tất cả các phương tiện máy móc, xe ô tô, xe máy mặc dù nó chưa thể đáp ứng ngay lập tức tất cả những nhu cầu thiết yếu, đều được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an quan tâm và động viên rất kịp thời.
PV: Với nguyên tắc dữ liệu dân cư phải “đúng, đủ, sạch, sống”, nếu sai dữ liệu sẽ ảnh hướng rất nhiều cho người dân. Theo Thiếu tướng, để thực hiện điều này, Công an các cấp phải làm gì để bảo đảm thời gian cũng như sự chính xác trong quá trình thực hiện?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Để đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, Bộ Công an đã thực hiện triển khai nhiều giải pháp như: Việc rà soát dữ liệu dân cư phải được thực hiện rà soát, đối sánh “đủ” 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) với các nguồn từ tàng thư sổ hộ khẩu, tàng thư Căn cước công dân, các nguồn dữ liệu nội ngành của ngành công an và ngoại các nguồn dữ liệu từ các bộ, ngành khác như: Bảo Hiểm xã hội, Y tế, hộ tịch, ngân hàng, viễn thông, lao động...
Song song với đó, cảnh sát khu vực thực hiện cập nhật, điều chỉnh vào dân cư “đúng” quy trình 4 bước: (1) Rà soát, đối chiếu với các giấy tờ, hồ sơ, sổ sách, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư Căn cước công dân, tàng thư Căn cước căn phạm và nguồn dữ liệu có liên quan tại 03 cấp (tỉnh, huyện, xã); (2) Cập nhật, điều chỉnh trong dân cư sau khi rà soát; (3) Trưởng Công an xã phê duyệt đã điều chỉnh; (4) Đồng bộ vào dân cư.
Ngoài ra, hiện nay, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan hộ tịch - tư pháp, Bảo Hiểm Xã hội, Thuế, Ngân hàng nhà nước, các nhà mạng viễn thông... thực hiện rà soát dữ liệu từ các CSDL chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thông qua đó phát hiện các sai sót về dữ liệu công dân và tiến hành làm sạch.
PV: Mục tiêu, kế hoạch của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong thời gian tới là gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Thời gian tới, Cục C06 sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ứng dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử vào giải quyết thủ tục hành chính được đồng bộ, thống nhất giữa các Bộ, ngành.
Đẩy mạnh việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử với các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương để xác thực, chia sẻ thông tin công dân, thay thế giấy tờ cá nhân.
Đồng thời, phát triển các tiện ích trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID) tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính và tạo sự kết nối, trao đổi giữa công dân với chính quyền.
Cùng với đó, Tham mưu Chính phủ hoàn thiện các dịch vụ công toàn trình, và các dịch vụ công liên thông để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân một cách nhanh chóng.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
DOISONGPHAPLUAT.COM |