Cựu cán bộ CSGT duy nhất bị đưa ra xét xử khẳng định, có nhận tiền đưa cho cấp trên. Các bị cáo khác trong vụ án khai có đưa hối lộ cho 80 CSGT, TTGT nhưng các cán bộ này không thừa nhận.
Các bị cáo khai có đưa hối lộ cho 80 CSGT, TTGT và có ghi lại trong sổ
Ngày 3/10, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với đường dây mua bán “logo xe vua” do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982) cầm đầu về các tội Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ.
Cùng bị cáo buộc đưa hối lộ cùng với Thới và Vân còn có 7 bị cáo khác, gồm: Trần Quốc Thái (SN 1971), Mai Vân Thái Em (SN 1979), Huỳnh Tấn Thắng (SN 1983), Nguyễn Văn Phúc (SN 1967), Trần Trọng Nhân (SN 1988), Nguyễn Minh Thiên (SN 1988) và Nguyễn Mai Hữu Nhân (SN 1990), cùng ngụ TP.HCM.
Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973), cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai bị cáo buộc tội Môi giới hối lộ. Bị cáo Chân cũng là CSGT duy nhất trong 80 cán bộ CSGT, TTGT có liên quan vụ án bị truy tố đưa ra xét xử.
Bị cáo Thới (trái), Chân (ở giữa), Thái (phải) và các bị cáo khác trong đường dây mua bán "logo xe vua". |
Khai tại tòa, 2 bị cáo là Nguyễn Văn Thới và Lê Thị Cẩm Vân đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, Thới và Vân khai mình đều là chủ của doanh nghiệp vận tải, có xe thường xuyên lưu thông trên các địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Để tránh bị xử phạt, 2 bị cáo này đã tiếp cận lực lượng CSGT, TTGT của các tỉnh, thành nói trên để đưa hối lộ.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Thới khai đã in 2 logo ký hiệu số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, tiếp cận và thống nhất với cán bộ CSGT, TTGT để nhận diện các logo này.
Tiếp đến, Thới bán “logo xe vua” trên cho hàng ngàn lượt xe quá tải, thu về 22,7 tỷ đồng. Thới sử dụng 17,8 tỷ đồng trong số này để nộp phạt, sử dụng cá nhân 1,3 tỷ đồng. Số tiền còn lại, Thới khai đưa hối lộ cho TTGT, CSGT.
Bị cáo Vân khai, đã in logo “Xe chở hàng” để dán lên các xe của mình và bán cho các xe khác, thu về số tiền 7,9 tỷ đồng.
Vân khai dùng 627 triệu đồng đưa hối lộ cho cán bộ đội 7, đội 8 - TTGT TP.HCM. Phần còn lại, Vân nộp phạt và có hưởng lợi 1,5 tỷ đồng. Số tiến hưởng lợi Vân đã nộp lại toàn bộ cho cơ quan điều tra.
Bị cáo Vân còn khai nhiều lần chỉ đạo đàn em, thậm chí là xe ôm để đưa hối lộ cho TTGT TP.HCM. Ngoài việc “giải cứu” từng xe bị bắt, hàng tháng Vân đều phải đóng thêm tiền bồi dưỡng cho lực lượng TTGT.
Các đồng phạm của Vân khi được gọi xét hỏi cũng thừa nhận được Vân đưa số điện thoại cán bộ CSGT, TTGT để liên hệ, sau đó giao nhận tiền tại nhiều địa điểm khác nhau. Không ít lần cán bộ đeo khẩu trang bịt kín mặt nên sau này được cho nhận diện thì không thể nhận diện được.
79 CSGT, TTGT có thoát tội?
Trong vụ án này, các bị cáo đều thừa nhận có hành vi giao “logo xe vua” cho khách và đưa hối lộ cho TTGT, CSGT.
Cán bộ CSGT duy nhất bị đưa ra xét xử trong vụ án này là Nguyễn Cảnh Chân khi khai tại tòa đã thừa nhận có nhận từ Thới hơn 1,2 tỷ đồng để đưa hối lộ cho lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, từ tháng 7/2014 cho đến khi bị phát hiện, Chân có nói với ông Võ Thanh Sơn, Đội trưởng đội 1 - phòng CSGT tỉnh Đồng Nai về việc bỏ qua cho xe vi phạm. Sau đó, Thới đã 7 lần đưa tiền cho Chân tổng cộng 659 triệu đồng để Chân chuyển cho ông Sơn.
“Cứ sau mỗi lần bị cáo chuyển tiền cho ông Sơn, ông Sơn đều cho bị cáo từ 5 – 10 triệu đồng. Đến tháng 5/2015, ông Sơn qua đời, bị cáo tiếp tục tìm đến ông Đỗ Hữu Tuyến, Phó Trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai giúp đỡ Thới thì được ông Tuyến đồng ý”, Chân khai.
Trong thời gian từ 7/4/2015 đến 7/8/2015, Thới đã đưa cho Chân số tiền 603 triệu đồng, trong đó có 3 triệu đồng cúng viếng ông Sơn, số tiền còn lại dùng hối lộ. Liên quan tới số tiền này Chân thừa nhận đưa cho ông Tuyến 300 triệu đồng, còn lại Chân giữ tiêu xài cá nhân.
Khẳng định tại tòa là có nhận 1,2 tỷ đồng từ Thới và Vân để đưa cho lãnh đạo, nhưng hiện lãnh đạo của Chân vẫn vô can. Ngoài ra, 2 bị cáo cầm đầu vụ án là Thới và Vân còn khai trực tiếp đưa hối lộ hoặc thông qua cấp dưới, xe ôm để đưa hối lộ cho 79 CSGT, TTGT nhưng tất cả đều không thừa nhận nên cơ quan điều tra không điều tra, xử lý số cán bộ này.
Sau phần xét hỏi tại tòa, đại diện VKSND thực hành quyền công tố đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo đó, đại diện VKSND TP.HCM nhận định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, việc bảo kê xe quá tải khiến cầu đường xuống cấp, tiềm ẩn tai nạn giao thông nên cần xử phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Từ nhận định trên, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thới từ 6 - 7 năm tù; Lê Thị Cẩm Vân từ 4 - 5 năm tù; Nguyễn Cảnh Chân từ 4 năm 6 tháng - 5 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo còn lại trong vụ án này bị đề nghị từ 2 - 6 năm tù.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…
Công Thư
Theo Người Đưa Tin