"Đôi chân không mỏi" của người phụ nữ gần 70 tuổi trong "tâm dịch" Đời Sống Pháp Luật
+Aa-
Zalo

"Đôi chân không mỏi" của người phụ nữ gần 70 tuổi trong "tâm dịch"

(ĐS&PL) - Với "đôi chân không mỏi", bà Liên đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến từng nhà để giúp đỡ những người dân trong ngày dịch bệnh "bủa vây". Dù đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, sốc vác, không nề hà bất cứ việc gì.

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Dù dịch đã tạm lắng xuống, thế nhưng người dân ở tổ 3 Quốc Tuấn, phường Phước Tân, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ mãi không quên hình ảnh người phụ nữ với dáng người cao cao, đội chiếc nón lá, đi khắp mọi nẻo đường trong tổ để hỗ trợ người dân. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1955), Bí thư Chi bộ của tổ dân phố. Bất kể việc gì trong công tác phòng chống dịch, bà đều xắn tay vào làm và luôn dốc hết sức mình.

Nhớ những ngày dịch căng thẳng, cứ hễ có việc ở trên phường giao xuống là bà lại lên đường. Người phụ nữ ấy rảo bước khắp xóm, qua từng con hẻm, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở các biện pháp phòng chống dịch. Dù lớn tuổi nhưng đôi chân bà vẫn sải bước không mệt mỏi. Bà đi bộ nhưng công việc hoàn thành còn nhanh hơn cả những người đi xe máy. “Tôi quen rồi, cứ hễ có việc thì xỏ dép vào đi cho nhanh để còn kịp. Đi bộ mình có thể đến từng nhà, len vào các con hẻm nhỏ mà không gặp trở ngại gì cả”, bà Liên chia sẻ.

doi chan khong moi cua nguoi phu nu gan 70 tuoi trong tam dich dspl
Ngoài công tác chống dịch tại địa phương, hễ có thời gian bà cùng các mạnh thường quân tặng thức ăn khuya, nước uống cho các chốt trực trong thành phố.

Ngoài việc thành lập Tổ Covid cộng đồng, cung ứng thực phẩm cho người dân, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, bà Liên còn tham gia bố trí lực lượng trực chốt, triển khai gói an sinh xã hội, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong mùa dịch... Tất cả những việc gì trong khả năng và làm được, bà đều cố gắng thực hiện một cách tốt nhất để giúp đỡ người dân trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Chồng bệnh tim, bản thân cũng là người lớn tuổi, hiểu được nguy cơ bị lây bệnh khi tham gia công tác thiện nguyện, nhưng bà chưa bao giờ phàn nàn hay từ chối công việc nào. Để có thời gian tham gia phòng chống dịch, bà dậy từ sớm làm việc nhà, lo cơm nước cho chồng. Sau đó, lại đi đội nắng đội mưa gõ cửa từng nhà, nhắc nhở từng người thực hiện tốt 5K, bỏ rác đúng nơi quy định và giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh đã quá quen thuộc với bà con.

Nở nụ cười vui vẻ, bà Liên tâm sự: “Ông nhà tôi bị bệnh tim, những lúc có việc ra ngoài để ông ấy ở nhà một mình, tôi cũng lo lắm nhưng cứ cố gắng làm nhanh rồi về. Bà con cũng rất cần mình, nên cứ có việc là tôi lên đường thôi. Trước khi vào nhà, tôi phải sát khuẩn và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng chống dịch, không dám chủ quan, lơ là dù chỉ một chút”.

Với bà, bí quyết để công việc được thông suốt là bản thân phải hiểu được tâm tư, tình cảm của bà con. “Người dân ở tổ có 50% là cán bộ, hưu trí; còn 50% là người dân buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động tự do, nên mình phải hiểu được thói quen sinh hoạt và có cách ứng xử, tuyên truyền phù hợp với từng người cụ thể, thì bà con mới nghe mình”, bà Liên chia sẻ.

Trên hành trình ấy, cũng không ít lần bà gặp những người phản đối, tỏ thái độ khó chịu khi bà nhắc nhở phải đeo khẩu trang, không ra ngoài khi không cần thiết. Tuy nhiên, bằng tình cảm, lời lẽ chân thành, bà phân tích cho người dân hiểu và chấp hành đúng quy định. Và rồi, cứ có bất cứ thắc mắc gì người dân lại gọi cho bà nhờ giải đáp. Được dân tin, dân quý là điều vui nhất với bà.

Công tác tầm soát cộng đồng là việc làm thường xuyên khi dịch bệnh xảy ra. Mỗi lần tổ chức bà lại lo đến mất ngủ vì suy nghĩ thực hiện sao cho tốt, đảm bảo cho người dân trong tổ được an toàn. Cứ hôm sau tổ chức, thì tối hôm trước bà lại tất bật chuẩn bị sẵn mọi thứ, từ chiếc túi đựng rác y tế đến sắp xếp bàn ghế đảm bảo giãn cách... Đến giờ, bà Liên lại gõ cửa từng nhà gọi từng người dân ra test nhanh Covid-19. Sau đó, bà cùng các tình nguyện viên lo từng bữa cơm, chai nước cho lực lượng y tế tham gia lấy mẫu tại tổ.

Không chỉ vậy, khi phường triển khai công tác tiêm ngừa Covid-19, bà tìm hiểu thông tin về các loại vắc- xin, đến từng nhà tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu và rà soát thông tin đăng ký tiêm cho từng người để không một ai bị bỏ sót. Không chỉ tham gia phát nhu yếu phẩm, gạo, phiếu đi chợ cho người dân ở địa phương, hễ có thời gian bà lại cùng các mạnh thường quân đi tặng nước uống, thức ăn đêm cho các lực lượng đang trực tại các chốt kiểm soát trong thành phố. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, người dân tổ 3 Quốc Tuấn chia sẻ: “Cô Liên rất nhiệt tình, nên người dân ở đây quý cô lắm. Hễ dân cần gì là cô giúp liền”.

Ông Vũ Văn Nở, Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dành sự ngưỡng mộ khi nhắc đến nữ Bí thư Chi bộ của tổ 3 Quốc Tuấn. Ông nói: “Bản thân cô Liên là người nhiệt tình, gần gũi, luôn quan tâm đến đời sống người dân và tham gia tích cực các công tác, nhất là trong mùa dịch này. Tuy lớn tuổi, nhưng cô luôn đi đầu trong các công tác”.

Châu Tường

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số đặc biệt (1+2+3)

Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-chan-khong-moi-cua-nguoi-phu-nu-gan-70-tuoi-trong-tam-dich-a524377.html
Zalo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục
Nổi bật trong ngày