Một người dùng mạng xã hội Trung Quốc có tên Rongrong đã vạch trần hoạt động team building nguy hiểm của công ty. Cụ thể, doanh nghiệp của cô yêu cầu nhân sự đưa que lửa vào miệng, cho rằng thử thách này góp phần gia tăng sự tự tin, giúp người lao động vượt qua nỗi sợ hãi, sẵn sàng đương đầu với thử thách.
Sau khi Rongrong đăng tải bài viết này lên mạng xã hội, công ty trên ngay lập tức nhận về sự chỉ trích trực tuyến, thậm chí có nguy cơ vi phạm pháp luật, theo SCMP.
Theo đó, trong hoạt động team building, công ty yêu cầu cô phải nhét que tăm bông khổng lồ cháy vào miệng. Hành động nguy hiểm này thường được thấy trong các màn biểu diễn xiếc và ảo thuật chuyên nghiệp. Các diễn viên bảo đảm an toàn cho mình dựa trên nguyên lý cắt đứt nguồn ôxy nhanh chóng để dập tắt ngọn lửa.
"Người biểu diễn phải kiểm soát hơi thở, giữ ẩm miệng và thời gian ngậm miệng chính xác. Chỉ những người chuyên nghiệp được đào tạo mới có thể thực hiện điều này một cách an toàn", một cư dân mạng phân tích.
Theo Xiaoxiang Morning News, công ty nói trên thuộc về một tổ chức giáo dục có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh,Trung Quốc. Rongrong đã làm việc ở đây gần một năm. Cô tiết lộ rằng mình không muốn tham gia hoạt động nuốt lửa nhưng cảm thấy bị ép buộc phải tuân thủ để không mất việc.
Sự kiện team building kéo dài 2 ngày, có sự tham gia của 60 người, chia thành 6 nhóm. “Mục đích là để cho ban lãnh đạo công ty thấy được quyết tâm của chúng tôi, để thấy rằng chúng tôi muốn chiến thắng và chúng tôi muốn kiếm tiền”, Rongrong nói.
Cô cảm thấy sợ hãi và bị xúc phạm. “Tôi thấy hoạt động này hạ thấp nhân phẩm mình”, Rongrong viết trên mạng xã hội. Nhân sự này cho biết sự kiện trên đã vi phạm luật lao động, dự định nộp đơn khiếu nại lên chính quyền. Hiện, công ty của Rongrong vẫn chưa phản hồi cáo buộc này.
Sự việc nhanh chóng trở thành đề tài nóng, thu hút hơn 7,2 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Hàng loạt bình luận chỉ trích hành động này là "lạm dụng quyền lực" và "bài kiểm tra sự vâng lời trá hình".
Một người dùng viết: "Hoạt động này không giúp tăng cường sự tự tin mà chỉ khiến nhân viên cảm thấy bị áp bức". Một người khác bày tỏ sự bất bình: "Đây là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Công ty không có quyền ép nhân viên làm điều nguy hiểm như vậy".
Ngoài ra, nhiều người chia sẻ những trải nghiệm tiêu cực từ các sự kiện team building khác. Một cư dân mạng kể lại: "Ở công ty trước, chúng tôi bị ép đứng trên độ cao hơn hai mét, nhắm mắt và ngã ngửa để tin tưởng đồng đội. Một số cô gái không đỡ được và đã bị ngã. Tôi sợ đến mức bật khóc".
Tuy nhiên, công ty của Rongrong không phải trường hợp ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc sử dụng trò nuốt lửa trong hoạt động team building. Renzhong, một công ty tổ chức team building ở miền đông Trung Quốc, tuyên bố trên website rằng các huấn luyện viên sẽ đào tạo nhân viên kỹ năng cần thiết để thực hiện màn nuốt lửa, đồng thời cung cấp thiết bị phòng chống cháy nổ tại chỗ.
Trước đây, nhiều công ty đã bị chỉ trích vì áp đặt những hành động như lê lết trên đường phố, hôn thùng rác, hoặc ôm người lạ nơi công cộng để "tăng lòng dũng cảm".
Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty áp dụng các biện pháp phi lý xâm phạm quyền lợi của người lao động có thể bị cảnh cáo và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chen Pingfan, một luật sư của Công ty Luật Hunan Furong, nhấn mạnh rằng nhân viên cần sử dụng hành động pháp lý và truyền thông để bảo vệ quyền lợi của mình.