Tạp chí Nhà đầu tư đưa tin, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vốn từ ngân sách Nhà nước (đầu tư công) thực hiện trong quý II/2023 ước đạt trên 140.400 tỷ đồng, bằng 19,93% kế hoạch năm, tăng 52,8% so với quý I và tăng 21,8% cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn từ ngân sách Nhà nước ước đạt trên 232.200 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% cùng kỳ năm trước.
Theo tờ Đầu tư chứng khoán, nhóm cổ phiếu đầu tư công được đánh giá là tiềm năng, khi đang được hưởng lợi lớn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư có nhiều tín hiệu tích cực, bởi đây là cơ hội tăng trưởng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (đá xây dựng, sắt thép, nhựa đường), xây lắp…, đặc biệt là ở các khu vực kinh tế trọng điểm và có dự án lớn.
Cụ thể, ở khu vực phía Nam, với các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc Nam (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) và dự án xây dựng Sân bay Long Thành… sẽ khiến nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng tăng tốt, đồng thời kéo theo nhu cầu xây dựng hạ tầng vệ tinh.
Ở nhóm vật liệu xây dựng, có khá nhiều tên tuổi đầu ngành được nhắc đến như nhựa là BMP, thép có HPG, NKG, nhựa đường có PLC, xi măng có BCC, HT1, đá xây dựng có các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá trữ lượng lớn như KSB, DHA, C32, VLB…
Với riêng lĩnh vực đá xây dựng, chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, hướng nhìn tập trung về dự án Sân bay Long Thành, những doanh nghiệp có mỏ đá nằm gần khu vực này sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng đá tốt, vì đặc thù trong ngành đá xây dựng là chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm.
Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2030.
Theo VNDIRECT, các công ty niêm yết đang sở hữu những mỏ đá chất lượng cao với vị trí thuận lợi sẽ là nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân (do KSB, DHA, VLB và DND sở hữu). Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023 - 2024.
Chẳng hạn, KSB đang khai thác các mỏ đá Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Thiện Tân 7 (Đồng Nai), Gò Trường (Thanh Hóa). Vị trí các mỏ đá này đều nằm gần các dự án cao tốc và chất lượng sản phẩm tốt, là điều kiện thuận lợi cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh của KSB.
Nhằm đáp ứng nhu cầu và đón đầu cơ hội từ các dự án phát triển hạ tầng giao thông đẩy mạnh trong thời gian tới, KSB cũng đã có kế hoạch mở rộng, tăng công suất khai thác các mỏ đá ở khu vực Bình Dương, khai thác sâu hơn ở các mỏ hiện hữu.
Ngoài ra, KSB có kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB), doanh nghiệp sở hữu nhiều mỏ đá có trữ lượng lớn và tốt nhất khu vực Đông Nam Bộ.
Với lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, KSB đang thực hiện thủ tục pháp lý để tiến hành mở rộng Khu công nghiệp KSB từ 340 ha lên 553 ha. Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp mới tại Đồng Nai, Bình Dương để gia tăng quỹ đất kinh doanh cho những năm tiếp theo.
Lãnh đạo KSB cho biết, cùng với sản xuất vật liệu xây dựng, KSB xác định bất động sản công nghiệp sẽ là 1 trong 2 trụ cột mang lại doanh thu lớn và bền vững trong những năm tới cho Công ty.
Ngoài ra, ngành logistics được kỳ vọng có thể hưởng lợi gián tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các tuyến cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ khiến hoạt động logistics thuận lợi hơn nhiều, qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Các đại dự án như sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhóm vận tải hàng hóa, hành khách được hưởng lợi từ gia tăng công suất khai thác.
Vân Anh(T/h)