Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng, đến nay cả nước đã có 202 hộ, 64 thôn, 33 xã của 7 tỉnh thành bị dính dịch. Số lợn bị tiêu hủy là 4.231 con. Dịch bùng phát diện rộng và lây lan nhanh và đang có nguy cơ bùng phát về phía Nam.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.
Tại Việt Nam, ngày 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức thông báo ghi nhận tám ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi. Như vậy, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan trên các đàn lợn nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch..
Cũng theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ DTLCP xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguyên nhân ban đầu được của dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam được xác định qua đường biên giới phía Bắc, nơi có đường biên giới với chiều dài 1.000 km với nhiều cửa khẩu và đường mòn, lối mở với các hoạt động của cư dân biên giới. Việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp Tết vừa có thể lây truyền vi rút nhiễm bệnh.
TP. Hồ Chí Minh dồn lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Dù hiện tại TP.HCM chưa phát hiện đàn lợn nào bị dịch tả lợn châu Phi, nhưng theo Chi cục Thú y và chăn nuôi TP.HCM thì thành phố đang đối diện với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng, TP.HCM đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn, trong đó có việc ngưng tiếp nhận nguồn lợn từ phía Bắc, chỉ nhận từ khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ.
Người dân tích cực phòng tránh dịch bệnh lây lan
Sở ban ngành cần tăng cường kiểm soát các trạm đầu mối giao thông ở các trục giao thông liên thông với các tỉnh; tăng cường kiểm soát ở cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, chợ đầu mối; kiểm soát chặt nguồn thịt nhập vào có nguồn gốc; quận huyện tăng cường kiểm soát việc giết mổ trái phép.
Đối với các phương tiện vận tải có biển số các tỉnh phía Bắc sẽ cho dừng kiểm tra, nếu có nghi vấn vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc để tiến hành kiểm tra. Các lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện những hộ kinh doanh giết mổ lợn trái phép sẽ xử lý nghiêm.
Dù vậy, TP.HCM cũng đặt ra tình huống xấu nhất khi có dịch tả lợn xuất hiện nên đã yêu cầu 3 nhà cung cấp thịt lợn lớn (VISSAN, CP và Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn) chuẩn bị đủ nguồn thịt lợn sạch để cung cấp cho người dân TP.
Ngoài ra, TP cũng chuẩn bị một lượng lớn nguồn hàng thịt gà, thịt vịt để phòng ngừa trường hợp người dân lo sợ thịt lợn bị dịch tả lợn châu Phi không dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm.
Bên cạnh đó, cần đề nghị tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rằng bệnh này không gây cho người. Tuy vậy bà nhận định có thể ảnh hưởng gián tiếp khi người dân lén lút tiêu thụ lợn đã chết do dịch.
Hành vi phát hiện ổ dịch mà không báo cáo, có hành vi che giấu, tìm cách bán chạy thịt lợn bị bệnh sẽ bị xử lí như thế nào?
Đồng thời, người dân khi phát hiện ra biểu hiện bất thường trên đàn lợn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý, tránh tình trạng giấu dịch, tránh dịch bệnh lây lan sang các vùng khác.
Theo Cục Thú y, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 KHÔNG” theo đúng quy định của Luật thú y:
1/ Không giấu dịch;
2/ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;
3/ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết;
4/ Không vứt lợn chết ra môi trường;
5/ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định...
*Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp
P. Lịch (t/h)