(ĐSPL) – “Chúng ta phũ phàng với cầu Long Biên quá! Chỉ coi nó đơn thuần là một cây cầu chứ không phải là một di sản văn hóa” - GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu nhận định.
Xem clip những hình ảnh đáng giá về cây cầu trăm tuổi.
Chúng ta đối xử với cầu Long Biên quá phũ phàng!
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu – Tổng biên tập tạp chí Kiến trúc đã khẳng định như vậy khi bàn về các phương án di dời cầu Long Biên do Bộ GTVT Hà Nội đề xuất.
Cầu Long Biên vốn có một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với dân tộc ta. |
Trước sự phản đối gay gắt của dư luận về 3 phương án mà Bộ GTVT vừa đưa ra, ông Nguyễn Việt Châu cho rằng, những ý kiến phản đối đó rất xác đáng. “Nếu thực hiện theo các phương án này thành ra chúng ta đối xử với cầu Long Biên phũ phàng quá! Chúng ta chỉ coi nó là một cây cầu đơn thuần chứ không hề coi nó là một di sản văn hóa quý giá. Nhưng ngẫm cho cùng, thì cái này cũng không trách ai được, bởi cho đến thời điểm hiện tại thì cầu Long Biên vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa. Trong khi các nước phát triển như Đức, Pháp… còn phải công nhận cây cầu của chúng ta xứng đáng thuộc hàng di sản văn hóa thế giới, thì dường như chúng ta lại đang quá hời hợt với những giá trị lịch sử của chính đất nước mình. Vậy nên theo tôi, muốn làm gì thì làm, trước tiên hãy lập hồ sơ để công nhận cầu Long Biên là di sản văn hóa đã” – Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc khẳng định.
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu cho rằng chúng ta đang đối xử quá phũ phàng với cầu Long Biên. |
Đồng quan điểm với ông Châu, Kiến trúc sư quy hoạch đô thị Nguyễn Nga – người mà mấy năm trước đây đã đề xuất xây dựng bảo tàng trên cây cầu Long Biên nhận định: “Phương án tháo dỡ cầu Long Biên đã được Bộ GTVT đề xuất từ cách đây nhiều năm với tư duy là cầu Long Biên là cây cầu của thực dân để khai thác thuộc địa, nên tháo dỡ để thay thế bằng cây cầu mới dùng châm ngôn “xây dựng lại…. đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nếu không có sự nhìn nhận của toàn dân về tính biểu tượng và tính lịch sử của cây cầu Long Biên qua 2 kỳ lễ hội cầu Long Biên năm 2009 và 2010 thì cây cầu đã bị “bán sắt vụn” rồi. Ngày nay, Bộ GTVT đề xuất lại phương án tháo dỡ 9 nhịp cầu nguyên thủy, di dời xuống bãi giữa sông Hồng cũng chỉ gọi là để “bảo tồn” thay vì “bán sắt vụn” mà thôi”.
Kiến trúc sư quy hoạch đô thị Nguyễn Nga:“Chúng ta tưởng rằng giải quyết kinh tế thì phải bỏ di sản đi, nhưng đối với cây cầu Long Biên nó hoàn toàn sai”. |
“Chúng ta tưởng rằng giải quyết kinh tế thì phải bỏ di sản đi, nhưng đối với cây cầu Long Biên nó hoàn toàn sai” – bà Nga khẳng định thêm.
Rất nhiều kỹ sư, kiến trúc sư cũng đã bày tỏ quan điểm rằng, việc bảo tồn tính lịch sử đối với cầu Long Biên là việc tất yếu, bắt buộc, nếu không chúng ta sẽ có tội với lịch sử. Việc bảo tồn cây cầu cũng như những thương tích của nó chính là bảo tồn những chiến công vang dội của dân tộc qua bao nhiêu năm chiến tranh đau thương.
Sửa chữa cầu Long Biên là “phá bỏ nồi cơm di sản”
Theo ý kiến đánh giá của PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư về các phương án di dời cầu Long Biên của Bộ GTVT, nếu chúng ta vội vã sửa chữa hoặc xây cầu mới thì dù nó có đè lên tim cầu cũ cũng sẽ không mang lại hiệu quả gì cả.
Khi tiếp cận đô thị phải tính đến lợi ích của toàn bộ người dân sống trong đô thị, trong đó người dân sống trong lõi thành phố rất quan trọng, vì họ giữ được hồn cốt, lối sống, hệ thống chợ của đô thị. “Rất cần cầu Long Biên cho đô thị Hà Nội trong quá trình phát triển. Hà Nội hiện nay được mở rộng rất nhiều, dân số đông hơn rất nhiều so với trước, tại sao lại phải bám vào một cây cầu ở trung tâm thành phố và đã cũ, mà lại không tìm ra những yếu tố mới trong phát triển? Sao phải đè vào di sản?” – bà Thục đặt câu hỏi.
| ||
Nhận định về các phương án đã được đưa ra, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng đó là do tư duy “mì ăn liền” rất quen thuộc của các dự án bây giờ, nghĩa là cứ nhằm vào những chỗ “bờ xôi ruộng mật”, vào chỗ ngon lành để sử dụng lại cho nó dễ dàng. “Đó là những tư duy chụp giật, những tư duy kinh tế thời vụ, vì lợi ích trước mắt mà xóa bỏ giá trị văn hiến lâu dài, xóa bỏ những nồi cơm di sản mà đáng lẽ sau này con cháu chúng ta được thụ hưởng” – bà Thục khẳng định.
Đưa ra các phương hướng sửa chữa và bảo tồn cầu Long Biên, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu – Tổng biên tập tạp chí Kiến trúc cho rằng, về vấn đề này, chúng ta phải làm sao để vừa giữ được di sản văn hóa, vừa phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cần có sự tham gia của liên ngành: giao thông, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kinh tế xã hội… thì mới mong tìm ra được phương án tối ưu cho cầu Long Biên.
“Xưa nay, nước ta thường hay có tư duy Bộ nào làm việc Bộ ấy, cứ cầu đường là của Bộ giao thông, nhà cửa là của bên Kiến trúc… nên các vấn đề đều không được giải quyết toàn diện. Vậy nên theo tôi, phương án xây dựng, tôn tạo cầu Long Biên sắp tới phải được sự tham gia của liên ngành: giao thông, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kinh tế xã hội… thì mới mong tìm ra được phương án tối ưu.
Hơn nữa, phải đặt ra tiêu chí: vừa bảo vệ di sản, vừa góp phần vào cấu trúc đô thị mới đáp ứng được sự phát triển hết sức sôi động của Hà Nội hiện nay, từ đó nâng cao giá trị của cây cầu. Phải nghĩ cho con cháu, cho thế hệ mai sau, đây là chứng nhân về mọi mặt, đây là giá trị vô giá” – ông Châu đề xuất.
Hoài Thu