Việc bộ GTVT liên tục đưa ra các dự thảo Thông tư nhắc đến việc đổi tên trạm thu phí thành "trạm thu giá" hay "trạm thu tiền" khiến dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi "việc đổi tên này có mục đích gì?".
Quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch
Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức. Theo đó, nhìn nhận về cách đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”, ông Đức phân tích: “Theo quy định, từ ngày 1/1/2017, luật Phí và Lệ phí có hiệu lực. Theo Luật mới, phí sử dụng đường bộ được chuyển thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Do đó, bộ GTVT cho rằng, việc đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” là hợp lý.
Thời điểm đó những thuật ngữ như “phí giữ xe” cũng đổi thành “thu giá giữ xe”. Thời điểm chuyển đổi này, chữ “giá” được ghi trong luật chứ không ghi là “thu tiền” nên các cán bộ soạn thảo cứ đúng câu chữ trong luật đó mà đưa ra. Thực chất là sợ sai lầm, nhưng việc sợ sai lầm thành ra cứng nhắc và máy móc. Ví dụ như: Giá xăng, giá điện, nhưng khi thu là “thu tiền điện”, người mua “trả tiền xăng”, người dân đâu có thắc mắc về thuật ngữ đó.
Tuy nhiên, mỗi lần bộ GTVT thay đổi tên gọi lại gây ra xáo trộn và hoài nghi trong dư luận, điều đó xuất phát từ những vấn đề tồn tại ở một số trạm BOT khiến người dân thêm thắc mắc rằng, liệu việc đổi tên này có mục đích gì? Có lợi ích nhóm gì hay không...? Tuy nhiên, tôi cho rằng, “trạm thu phí” nghe thì thuận tai nhưng không đúng luật. Nên bắt buộc phải đổi lại và việc đổi thành “trạm thu tiền” như lần này là đúng”.
Từ việc liên tục thay đổi tên gọi, ông Đức đồng tình với quan điểm cho rằng, năng lực của các cán bộ soạn thảo còn hạn chế. “Rõ ràng mỗi lần thực hiện hội thảo rồi ban hành dự thảo sẽ gây ra tốn kém. Các cán bộ soạn thảo đừng để mắc lại sự máy móc, dẫn đến tốn kém như vậy”, ông Đức nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm: “Mới đây, tổng cục Đường bộ cũng đang thí điểm công nghệ thu phí trực tiếp, tiền thu từ trạm sẽ được chuyển thẳng về Tổng cục, như vậy đây cũng là biện pháp đảm bảo sự minh bạch tài chính. Yêu cầu cần công khai minh bạch là yêu cầu chính đáng và có từ rất lâu của người dân. Còn thực chất người dân không quan tâm nhiều đến cụm từ “thu phí”, “thu giá” hay “thu tiền””.
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ cho biết: “Trước kia, Nhà nước dùng ngân sách để mở đường nên dùng từ “thu phí” là chính xác. Bản chất là thu tiền dịch vụ, sau đó Nhà nước trả lại cho các đơn vị để duy trì, bảo dưỡng đường. Còn hiện tại, BOT phát triển mạnh, do các chủ tư nhân đầu tư nên nguồn thu của BOT không gọi là phí. Theo luật Phí và Lệ phí thì phí là phải nộp ngân sách. Như vậy, nếu gọi tên đầy đủ phải là “thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ”, nhưng tên này quá dài nên thành ra luẩn quẩn.
Có nhiều việc khác để làm hơn, không nhất thiết thay tên
ĐBQH Hoàng Văn Cường. |
ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Về bản chất, dù các trạm có được đặt tên “thu phí”, “thu giá” hay “thu tiền”... thì tức là trạm mà đơn vị quản lý con đường đó yêu cầu người tham gia giao thông đi qua phải trả tiền cho họ. Số tiền này tương ướng với việc người dân sử dụng con đường đó để thực hiện việc giao thông đi lại của mình. Như vậy, về mặt bản chất thì không có sự khác nhau lớn. Và người dân thì cũng không thắc mắc về chuyện tên gọi là gì, mà người ta quan tâm việc thu đó có đúng hay không, hợp lý hay chưa, cơ sở nào để thu tiền... Chính vì vậy, theo tôi, cũng không nhất thiết phải đặt ra chuyện đổi tên gọi là trạm gì. Từ trước đến nay, người dân vẫn quen gọi là trạm thu phí thì cứ để như vậy, không sao cả”.
Vị PGS nói thêm: “Còn bây giờ nếu phân tích kỹ hơn, giải thích tại sao bộ GTVT lại không dùng từ “thu phí” nữa mà nghĩ đến chuyện đổi tên? Thực ra, để đúng về căn cứ pháp lý thì có quy định trong luật Phí và Lệ phí. Theo đó, phí và lệ phí là mức thu do Nhà nước ấn định để thu tiền của những người tham gia sử dụng dịch vụ công. Khi người dân tham gia giao thông cũng là sử dụng dịch vụ công. Họ phải trả phí cho dịch vụ công đó là đúng. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, mức phí và lệ phí là do Nhà nước ấn định chứ không phải do đơn vị doanh nghiệp xây dựng ra con đường được phép ấn định.
Đối với đường BT, BOT thì các doanh nghiệp bỏ tiền làm, họ phải thu lại tiền để bù đắp chi phí đã bỏ ra. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí làm đường, chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng... thì sẽ hình thành nên giá phải trả cho dịch vụ đó là bao nhiêu. Doanh nghiệp sẽ thu của người dân sử dụng dịch vụ giao thông sao cho bên mua – tức là người tham gia giao thông chấp nhận được.
Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả các điểm thu tiền trên đường BOT, BT cũng không phải hoàn toàn do doanh nghiệp được đặt ra. Mức thu phải được Nhà nước phê duyệt, tất nhiên mức này cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp thu hồi vốn. Như vậy, về mặt thực tế, mức thu này không phải hoàn toàn được “thả nổi”, thực chất Nhà nước vẫn có sự ấn định. Do đó, nếu chúng ta gọi là “phí”, “trạm thu phí” thì cũng không hoàn toàn sai. Chúng ta không nên quá câu nệ vào từ ngữ để tạo ra sự xáo trộn của người dân! Người dân quan tâm hơn đến việc chất lượng dịch vụ như thế nào, thu có hợp lý hay không, sau khi thu có minh bạch tài chính hay không...”.
Thế nào là “phí” và “giá”
Hiện tại, phí được điều chỉnh theo luật Phí và Lệ phí năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017). Theo Điều 3 Luật này, phí được giải thích là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng bộ Tài chính, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí và mức thu. Mức thu phí thường là một mức tiền cố định, nếu có điều chỉnh cũng do cơ quan Nhà nước thông qua.
Trong khi đó, giá được điều chỉnh theo luật Giá năm 2012, được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được quyền ấn định giá.
Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhà nước điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Như vậy, nếu như phí do cơ quan Nhà nước ấn định và "bất di bất dịch" thì giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự ấn định và được linh hoạt điều chỉnh trong khung giá (giá tối thiểu và giá tối đa) đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Sáng 8/5, đại diện bộ GTVT cho biết đã nắm được phản ứng của dư luận và đang đề nghị tổ soạn thảo Dự thảo Thông tư bổ sung thêm nội dung giải thích về việc đổi từ "trạm thu phí" sang "trạm thu tiền". Vị này cũng cho biết kể từ khi đăng tải lên website, dự thảo Thông tư đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức và công dân.
Nguyễn Hường – Đặng Thủy
Theo Người Đưa Tin