Hàng loạt lãnh đạo công ty Yên Khánh bị bắt vì gian lận thu phí tại trạm BOT cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương trong ngày đầu năm mới khiến dư luận xôn xao. Tuy vậy, ít người biết, doanh nghiệp này còn góp mặt tại hàng loạt dự án BT, BOT nghìn tỷ trên khắp cả nước.
Liên đới Út “trọc”
Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh có tiền thân là công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, được thành lập năm 2005, có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, do doanh nhân 8x – bà Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) làm Giám đốc.
Bà Hoan cũng là một trong những cái tên vừa bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 23/11/2018 vừa qua.
Công ty Yên Khánh vốn là cái tên được chú ý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án BT, BOT thời gian gần đây. Được biết, bà Vũ Thị Hoan là 1 trong 3 cổ đông sáng lập của doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng này, trong đó bà Hoan nắm giữ 69,5% vốn.
Không chỉ "cầm trịch" tại Yên Khánh, bà Vũ Thị Hoan còn từng là Giám đốc của công ty Cổ phần Yên Khánh Hải Thành, địa chỉ đăng ký tại số 07-09 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Yên Khánh Hải Thành được thành lập vào ngày 23/3/2009, vốn điều lệ là 320 tỷ đồng. Đến tháng 8/2017, bà Vũ Thị Hoan là cổ đông góp vốn độc lập với số vốn góp là 16 tỷ đồng, công ty Hải Thành góp 32 tỷ đồng và công ty Yên Khánh góp 272 tỷ đồng.
Dù bà chủ tuổi đời còn khá trẻ, xuất thân bình thường song Yên Khánh cũng kịp làm quen với loạt công ty tên tuổi như: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), công ty Thái Sơn (thời kỳ ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) làm Chủ tịch HĐQT), hay công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc của đại gia Trần Tuấn Lộc để lập lên nhiều liên danh thực hiện loạt dự án BOT đình đám.
Những dự án BOT có sự góp mặt của Yên Khánh có thể kể đến như:
Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Việt Trì mới (hay còn gọi cầu Hạc Trì). Liên danh thực hiện dự án này gồm: Cienco1 - Yên Khánh - Thái Sơn.
Trạm thu phí BOT cầu Việt Trì mới (hay còn gọi là cầu Việt Trì) từng bị người dân phản đối hồi năm 2016 |
Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 – Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Chủ đầu tư dự án là liên danh: Tổng công ty 319 (bộ Quốc phòng), công ty Thái Sơn và công ty Yên Khánh.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng do liên danh: Tuấn Lộc – Yên Khánh - công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty cổ phần Hoàng An - công ty Cổ phần Đầu tư Cầu đường CII làm chủ đầu tư.
Ngoài ra Yên Khánh còn góp mặt ở loạt các dự án BOT khác như hợp tác cùng Cienco 1 để đầu tư xây dựng dự án cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.
Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, công ty Yên Khánh còn là cổ đông chiến lược của Cienco1 với 28,28% tỷ lệ sở hữu.
Hàng loạt lãnh đạo bị bắt vì gian lận phí BOT để trốn thuế
Sáng 1/1/2019, bộ Công an cho biết, đơn vị đã tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối với một số lãnh đạo công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh.
Các đối tượng gồm: Ngô Bá Thắng - Giám đốc chi nhánh Long An, Trần Văn Miền - Phó Giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng trạm thu phí Chợ Đệm, Tô Phước Hùng - Kế toán trưởng công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Nguyễn Thị Kim Huệ - Kế toán công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh. (Ngoài ra còn có ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi).
Các đối tượng nói trên bị bắt và khám xét để điều tra hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. |
Trước đó, căn cứ kết quả đấu tranh và tài liệu thu thập được, ngày 26/12/2018, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã chủ trì, phối hợp với cục Cảnh sát giao thông, cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của bộ Công an khám xét, thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng nêu trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước.
Hiện vụ việc đang được điều tra mở rộng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Cao tốc TP.HCM -Trung Lương (giai đoạn 1) được bộ Giao thông Vận tải phối hợp với bộ Tài chính và bộ Tư pháp tổ chức bán đấu giá quyền thu phí 5 năm (từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018) để hoàn vốn ngân sách Nhà nước. Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền thu phí 5 năm của dự án này.
Ngày 22/11/2018, cơ quan Điều tra Hình sự bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án số 04/QĐ-KTV về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 23/11/2018, cơ quan này đã thực hiện xong các quyết định và lệnh bắt tạm giam bị can: Đại tá Trần Trọng Tuấn, Phó Giám đốc công ty Hải Thành (Quân chủng Hải quân) và Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc công ty Yên Khánh, Giám đốc công ty Cổ phần Yên Khánh - Hải Thành. | |
Trong một diễn biến liên quan, hồi đầu tháng 11/2018, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên án và quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ đồng thời giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm về phần hình sự đối với bị cáo này. Theo đó, Tòa phúc thẩm giữ nguyên hình phạt hình sự tại bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt tù, bị cáo Hệ phải chịu mức án 12 năm tù. |
Minh Minh
Theo Người Đưa Tin