Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), nhà đầu tư là liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án là hơn 25 năm.
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60 km. Dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Thông tin về tiến độ của dự án, Doanh nghiệp dự án (DNDA) cho biết, đến nay, thiết kế kỹ thuật (TKKT) đã thực hiện đạt 77%, dự kiến hoàn thành TKKT trước 30/9/2024. Các nhà thầu đã huy động 102 nhân sự có kinh nghiệm, tay nghề cao, 86 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 8 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã được bàn giao.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), DNDA đã nhận bàn giao 7,1/60km với diện tích 47,72/563,77ha tương đương 11,83%. DNDA đang tiếp tục phối hợp cùng địa phương và các nhà thầu tích cực tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, đồng thời tổ chức phong trào thi đua nhằm thúc đẩy tiến độ GPMB, đặc biệt tại một số đoạn cần ưu tiên tổ chức thi công.
Đại diện DNDA cho biết, thời gian này thời tiết mưa liên tục, cùng với khó khăn do mặt bằng nhận bàn giao vẫn còn “xôi đỗ” ảnh hưởng đến công tác thi công. DNDA đang làm việc với địa phương ưu tiên GPMB phạm vi các cầu để tập trung triển khai thi công thúc đẩy sản lượng, đảm bảo tiến độ dự án.
Chia sẻ thêm giải pháp đẩy tiến độ dự án, đại diện DNDA cho biết, trong bối cảnh bãi đổ thải còn thiếu, đơn vị đã đề xuất phương án tận dụng đất đá đào còn dư đảm bảo chất lượng để đắp nền đường đủ chiều rộng 6 làn xe (giai đoạn hoàn thiện) trong giai đoạn 1 (gói thầu EC01, EC04). Nếu phương án này được chấp thuận, dự kiến có khoảng 2,2 triệu m3 đất, đá không phải đổ thải.
Đối với một số phân đoạn gói thầu EC02 và EC03, trong quá trình thực hiện thiết kế kỹ thuật sẽ căn cứ tình hình thực tế từng phân đoạn, thiết kế nền theo quy mô hoàn chỉnh đối với một số đoạn đào sâu để tận dụng vật liệu đắp nhằm cân bằng đào đắp theo từng gói thầu.
Tập đoàn Đèo Cả chỉ đạo các nhà thầu thi công cần chủ động trong công tác triển khai, tương tác với nhà đầu tư đứng đầu liên danh, đồng thời, phối hợp với DNDA, đơn vị tư vấn thiết kế lập danh sách các phân đoạn đường găng tiến độ để tập trung thiết kế, GPMB.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng đề nghị các cố vấn của Tập đoàn tiếp tục bám sát công việc tại dự án, tăng cường kiểm tra, tham mưu cho DNDA; đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện thiết kế kỹ thuật theo mốc đề ra, có cơ chế khích lệ đơn vị tư vấn nếu hoàn thành tốt; các nhà thầu lập cần rà soát lại các công việc, lên tổng thể tiến độ thi công đăng ký với DNDA, báo cáo tỉnh làm cơ sở theo dõi, kiểm soát tiến độ.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu Ban Điều hành Tập đoàn, DNDA và đơn vị tư vấn phối hợp triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trên phạm vi toàn dự án trong thiết kế, thi công, quản lý dự án, báo cáo Bộ GTVT, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức nghiệm thu theo BIM.
“DNDA nghiên cứu tổ chức phát động phong trào thi đua “về đích” để động viên các nhà thầu, nhằm thúc đẩy hoạt động thi công toàn dự án, trước tiên đối với các mốc thi công tính đến hết tháng 12/2024. Coi báo đài địa phương như kênh theo dõi, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu”, Đại diện Tập đoàn Đèo Cả thông tin.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý thi công, Tập đoàn Đèo Cả đã yêu cầu DNDA và đơn vị tư vấn phối hợp triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trên diện rộng dự án trong thiết kế, thi công, quản lý dự án, báo cáo Bộ GTVT, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức nghiệm thu áp dụng BIM.
Công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân tại dự án về áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong thi công, an toàn lao động, phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch đào tạo và cấp chứng chỉ BIM cho các nhà thầu thi công dự án cũng được thực hiện tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.