(ĐSPL)- Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, đánh giá về tình hình biển Đông chưa sát với thực tế; chưa cập nhật hết tình hình vụ giàn khoan Hải Dương 981; mới đấu tranh thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế, chưa sử dụng Luật biển của Việt Nam.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng nay (2/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014
Liên quan đến vấn đề chủ quyền biển Đông, tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ trước đó, báo cáo của Đoàn thư ký kỳ họp gửi tới các đại biểu sáng nay cho biết, có ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có những biện pháp, chính sách phù hợp để xử lý các vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông. Tinh thần yêu nước được thể hiện rõ ràng, được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số tổ chức phản động đã kích động, tổ chức biểu tình phá hoại cơ sở sản xuất (như ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh) làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Điều này cho thấy, công tác quản lý và nắm bắt tình hình an ninh trật tự của các lực lượng chức năng còn bị động; công tác tình báo của Việt Nam còn kém hiệu quả.
Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, có ý kiến cho rằng, đánh giá về tình hình biển Đông chưa sát với tình hình thực tế. |
Có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị để xảy ra tình hình nêu trên; đồng thời, rút bài học kinh nghiệm, tiếp tục có biện pháp chủ động, kiên quyết chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, vi phạm pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, vấn đề quốc phòng và an ninh cần được đặt lên hàng đầu; tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ý kiến khác đề nghị xem lại nhận định “chủ quyền Việt Nam vẫn được giữ vững” trong báo cáo của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nhận xét, đánh giá về tình hình biển Đông chưa sát với tình hình thực tế; chưa cập nhật hết tình hình vụ giàn khoan Hải Dương 981; mới đấu tranh thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế, chưa sử dụng Luật biển của Việt Nam. Cần phải đánh giá tốt tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước. Có ý kiến cho rằng, bảo vệ chủ quyền ở biển Đông cần phải có giải pháp phù hợp, tránh xung đột quân sự, tránh đối đầu, cô lập, lệ thuộc về chính trị, có biện pháp để không liên minh quân sự với nước ngoài, không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; nghiên cứu, tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao cho phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, Quốc hội nên có Nghị quyết cụ thể về chủ quyền biên giới lãnh hải của Việt Nam, thể hiện lập trường, tính kiên quyết của Việt Nam về vấn đề biển Đông để đại biểu Quốc hội có cơ sở truyền đạt lại cho cử tri; Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có tiếng nói chung trước Quốc hội, phát huy thế mạnh an ninh nhân dân, sức mạnh quân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết; tăng cường thảo luận tại về vấn đề biển Đông để đưa ra giải pháp hữu hiệu, khắc phục khó khăn hiện nay.
Nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường công tác đấu tranh tư tưởng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách đối ngoại. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đổi mới, phát huy dân chủ, tăng cường tiềm lực bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền cho người dân về quan điểm, đường lối và các giải pháp trong công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Đảng và nhà nước ta.
Tạo sự đoàn kết, thống nhất tư tưởng trong nhân dân trước mọi diễn biến tình hình. Bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh để đối phó với sự chống phá của các thế lực thù địch. Tăng ngân sách cho quốc phòng để bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia; quan tâm và đầu tư thích đáng cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư nhằm bảo vệ tốt vùng biển quốc gia.
Về thương mại, xuất nhập khẩu,nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nên tập trung giải quyết vấn đề sức mua yếu, tồn kho, tăng tổng cầu cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát và quản lý thị trường, không để doanh nghiệp đã khó khăn lại càng gặp khó khăn vì hàng nhập lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường; đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kích thích sản xuất trong nước. Có ý kiến đề nghị Quốc hội nên ra Nghị quyết về đẩy mạnh sản xuất trong nước, tăng dần phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí để giảm nhập khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường xuất khẩu và lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp; có phương án nghiên cứu, khai thác thị trường mới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; củng cố thị trường trong nước; tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc lợi dụng thương lái Việt Nam thu mua nông sản nhằm lũng đoạn nền kinh tế. |