+Aa-
    Zalo

    Vì sao Nhật Bản tích cực can dự vào tình hình Biển Đông?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự can dự tích cực của Tokyo vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ lo ngại an ninh của tuyến đường hàng hải “có ý nghĩa sống còn” đối với nền kinh tế Nhật Bản.

    (ĐSPL) - Theo các nhà phân tích, sự can dự tích cực của Tokyo vào diễn biến tình hình Biển Đông xuất phát từ lo ngại về an ninh của tuyến đường hàng hải “có ý nghĩa sống còn” đối với nền kinh tế Nhật Bản.
    Vì sao Nhật Bản tích cực can dự vào vấn đề  Biển Đông?

    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép

    Hôm 27/5, không lâu sau khi có tin tàu đánh cá Việt Nam bị tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm gần giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hai quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích điều mà họ gọi là “hành động cực kỳ nguy hiểm” của Trung Quốc.
    Theo VOA, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo rằng “Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tới sinh mạng con người”.” Ông nói thêm rằng các nước liên hệ cần phải tránh thực hiện những hành động đơn phương làm cho căng thẳng gia tăng, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh.
    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói với báo chí rằng “vụ việc nghiêm trọng” này làm cho mọi người cảm thấy bất an. Ông cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế làm rõ những sự việc liên quan tới vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
    Trong cuộc phỏng vấn hôm 23/5 dành cho tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã một lần nữa chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ông nói rằng “những hoạt động khoan dầu đơn phương” của Trung Quốc làm cho căng thẳng leo thang và Nhật Bản “sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép".
    Ông Abe nói với tờ Wall Street Journal rằng ông đã gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam một ngày trước đó và được thông báo là Việt Nam “muốn được cung cấp các tàu tuần duyên càng sớm càng tốt”. Nhà lãnh đạo Nhật cho biết ông cũng muốn thúc đẩy nhanh  tiến trình này.
    Theo các nhà phân tích, sự can dự nhiều hơn của Nhật Bản vào tình hình Biển Đông xuất phát từ mối lo ngại đối với an ninh của tuyến đường hàng hải vô cùng quan trọng cho nền kinh tế Nhật, giữa lúc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự và thực hiện những hành động ngày càng hung hãn trong những vụ tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng ở Châu Á.
    Nhật Bản phải dựa vào nhập khẩu để thỏa mãn 95\% nhu cầu nhiên liệu trong nước và hầu hết số dầu nhập khẩu là được vận chuyển ngang qua Biển Đông. Ngoài ra, 99\% hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Nhật cũng dựa vào đường biển, trong đó các loại hàng hóa bán sang các thị trường Châu Âu, Đông Nam Á… được vận chuyển qua Biển Đông. Theo ước tính của các chuyên gia, trong trường hợp phải đi đường vòng sang phía đông Philippines, giá thành của các sản phẩm chế tạo của Nhật Bản sẽ tăng 25\%. Do đó, Nhật Bản xem Biển Đông là “tuyến đường huyết mạch” và tìm đủ mọi cách để bảo vệ.
    Theo tường thuật của báo chí Nhật Bản và Trung Quốc, tại một cuộc hội thảo ở Tokyo hôm 22/ 5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng có thể xảy ra chiến tranh Trung-Nhật trong vòng 20 năm tới. Ông Lý Hiển Long nói thêm rằng trong trường hợp ban lãnh đạo ở Bắc Kinh không chịu hợp tác với Nhật Bản và các nước khác trong vùng, có thể xảy ra chiến tranh vì tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hay với các nước Châu Á khác vì tranh chấp Biển Đông, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
    Ông Lý Hiển Long cho rằng chính vì lý do đó mà Mỹ  nên tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nhat-ban-tich-cuc-can-du-vao-tinh-hinh-bien-dong-a34730.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan