(ĐSPL) - Sáng ngày 14/8, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam để nắm tình hình, giải quyết khó khăn, thúc đẩy vai trò, vị trí của đội ngũ Luật gia Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp.
[mecloud]rfLK8dx03M[/mecloud]
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Đảng đoàn, Ban thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. |
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia Việt Nam; ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam… cùng các thành viên trong Ban thường vụ Hội Luật gia Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian qua.
Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tổ chức thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước. Hội được thành lập ngày 4/4/1955, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 12 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay Hội đã có hơn 46 nghìn hội viên ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về tình hình tổ chức hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. |
Hội Luật gia Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia Việt Nam. Vì vậy, Hội đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác này, góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá rất cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tham gia tích cực trong công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn và giải quyết khiếu nại cơ sở của Hội Luật gia Việt Nam. |
Hội Luật gia Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật dưới các hình thức như: Trực tiếp chủ trì xây dựng dự thảo văn bản pháp luật; Trực tiếp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án Luật, pháp lệnh và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác; Tham gia góp ý kiến cho các chương trình, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Tham gia khảo sát, tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật trong thực tiễn.
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở. Đây là một trong những hoạt động cơ bản, thường xuyên, đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam và phù hợp chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, đã được các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở quan tâm đẩy mạnh trong thời gian vừa qua và đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, có Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Công tác tư vấn giải quyết khiếu nại; Công tác hòa giải ở cơ sở.
Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, cùng với những thành tựu trong hoạt động đối nội, hoạt động đối ngoại trong 10 năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế khen ngợi, Đảng và Nhà nước đánh giá cao, các tổ chức trong nước học tập. Hàng năm, Hội tổ chức nhiều chuyến thăm song phương để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các hiệp hội nghề luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hội tiếp tục thiết lập quan hệ hợp tác với Hiệp hội luật gia, luật sư một số quốc gia khác như Đoàn Luật sư Seoul – Hàn Quốc, Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ, Hội Luật gia Belarus…
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quyền cũng báo cáo với Chủ tịch nước về một số khó khăn mà Hội Luật gia Việt Nam gặp phải như: Việc xây dựng, kiện toàn, phát triển Hội ở một số nơi còn chậm. Đến nay, còn 290/698 quận, huyện chưa có Hội Luật gia. Nhiều cơ quan tổ chức ở Trung ương và địa phương có đủ điều kiện nhưng vẫn chưa thành lập Hội. Một số tổ chức hội còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Hiện nay, còn ba tỉnh chưa cấp kinh phí cho hoạt động Hội là: Bình Dương, Cần Thơ, Phú Yên...
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến chỉ đạo các cơ quan liên quan để Hội Luật gia Việt Nam tham gia sâu hơn trong các hoạt động cải cách tư pháp. Giao Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “xây dựng, phát triển bào chữa viên nhân dân”; Giao Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, thường xuyên đánh giá, thẩm định chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo cán bộ luật. Giao Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân; Giao Hội Luật gia Việt Nam tham gia trong hoạt động hỗ trợ người sắp chấp hành xong án phạt tù và người mới chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Giao Hội Luật gia Việt Nam làm nòng cốt trong việc thực hiện xã hội hóa hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ kinh phí để thực hiện…
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của đại diện các ban, bộ, ngành trung ương bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao việc đẩy mạnh vai trò, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp; trong hoạt động đối ngoại nhân dân và đặc biệt là công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý.
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội cho biết: “Hôm nay tôi rất phấn khởi với tư cách Hội viên Hội Luật gia Việt Nam được đón tiếp và làm việc với Chủ tịch nước. Nhìn lại chặng đường vừa qua có thể thấy, công việc mà Hội Luật gia đã làm được rất nhiều, nhất là công tác góp ý cho các dự luật, tham gia xây dựng pháp luật. Từ pháp lệnh trọng tài đến Luật trọng tài Hội Luật gia đã làm rất tốt. Gần đây nhất về dự Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao”.
“Liên quan đến bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam đã phản ứng rất kịp thời đấu tranh bằng pháp lý, đối ngoại cũng như khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân”, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho hay, các cán bộ ngành tư pháp đã tham gia các công tác của Hội Luật gia Việt Nam và các chi hội rất tốt. Những công tác về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở của Hội Luật gia được chúng tôi đánh giá cao. Bộ Tư Pháp mong muốn tăng cường phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ chung.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc giám sát và tham gia phản biện chính sách xã hội là rất quan trọng. Thời gian qua Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia công tác xây dựng chính sách, pháp luật, trực tiếp chủ trì, hoặc tham gia đóng góp nhiều dự thảo luật có chất lượng, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại tố cáo và hòa giải ở cơ sở khá hiệu quả”.
Theo Chủ tịch nước, với kinh nghiệm và trình độ pháp lý, hội viên luật gia có khả năng góp phần cùng các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện chính sách xã hội, một trong lĩnh vực quan trọng nhưng chưa hiệu quả thời gian qua.
Về công tác đối ngoại, Chủ tịch nước cho rằng chúng ta cần phải nâng cao hơn trình độ cho đội ngũ luật gia, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào các định chế, các tổ chức quốc tế, có như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của quốc gia, của tổ chức và cá nhân Việt Nam, đồng thời nâng cao vai trò vị trí của luật gia Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các bộ ngành để sớm giải quyết những vướng mắc, những mục tiêu đặt ra nhằm đưa Nghị quyết của Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ 12 thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đội ngũ Luật gia Việt Nam trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế của nước ta.
CAO TUÂN