+Aa-
    Zalo

    Cần cách chức “tư lệnh” ngành Đường sắt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vì sao chỉ sập 1 cái cầu mà Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc từ chức, còn ở Việt Nam thì không?

    Vì sao chỉ sập 1 cái cầu mà Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc từ chức, còn ở Việt Nam thì không? Ở nước Bỉ, tù nhân đặc biệt trốn tù, Bộ trưởng bộ Nội vụ xin từ chức. Còn chúng ta, liên tiếp các vụ tai nạn gây thương vong lớn, "tư lệnh" ngành vẫn yên vị.

    Liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong 1 tuần với hậu quả nghiêm trọng, nhiều người tử vong, bị thương, tài sản bị thiệt hại, giao thông ùn tắc kéo dài… Tuy nhiên, tại hiện trường các vụ tai nạn, dư luận không thấy bóng dáng các “tư lệnh” ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải. Ngay cả việc đôn đốc chỉ đạo, giải quyết và xử lý cũng thể hiện bằng phản ứng chậm chạp khiến dư luận xã hội bức xúc.

    Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào.

    GS.TS Đặng Đình Đào.

    PV:  Liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra trong 1 tuần. Ông đánh giá thế nào về chất lượng đường sắt hiện nay?

    GS.TS Đặng Đình Đào: Liên tục 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong khoảng 1 tuần, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, dấy lên hồi chuông báo động đỏ về tình hình mất an toàn giao thông đường sắt.

    Trước hết, nói một cách khách quan có thể thấy việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đã ít được quan tâm trong thời gian dài. Đến bây giờ, hệ thống đường sắt Quốc gia từ Bắc vào Nam vẫn theo tuyến đường khổ 1m, đơn, trong khi thế giới đã có nhiều nước sử dụng đường sắt kép, khổ 1,45m. Rõ ràng, hội nhập của ngành Đường sắt của Việt Nam quá chậm, quá yếu so với sự phát triển chung của thế giới.

    Thứ hai, một thời gian dài luật Đường sắt được ban hành (hơn 10 năm) và có hiệu lực, thậm chí hiện nay, luật Đường sắt sửa đổi cũng chuẩn bị có hiệu lực thi hành, trong khi hệ thống đường sắt nói chung xuống cấp một cách nghiêm trọng, ghê gớm.

    Bản thân ngành Đường sắt không nhìn nhận thấu đáo vấn đề này để khắc phục, nhiều lúc ỉ lại. Thậm chí, tôi từng nghe người đứng đầu ngành Đường sắt nói rằng, ngành Đường sắt không có áp lực gì. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành Đường sắt hoạt động trì trệ, trì trệ từ trên xuống dưới, dẫn đến hậu quả là nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra và gần đây là 4 vụ tai nạn liên tiếp trong 1 tuần.

    Từ nhân viên gác ghi đến nhân viên gác barie và lãnh đạo không thấy hết trách nhiệm của mình gây ra hậu quả là những tai nạn nghiêm trọng như vừa qua.

    Trách nhiệm ở đây không chỉ là từng cung đường sắt ở các tỉnh mà cả ngành Đường sắt phải chịu trách nhiệm. Cần nói thẳng là bộ Giao thông Vận tải cũng phải chịu trách nhiệm. Không thể đổ lỗi và chỉ quy trách nhiệm cho nhân viên gác ghi hay gác chắn đường ngang dân sinh được.

    Thêm nữa, rõ ràng chúng ta đã nói rất nhiều về hàng nghìn điểm giao cắt đường sắt và đường ngang dân sinh mất an toàn nhưng lại không đầu tư để xử lý dứt điểm. Nếu chỉ nói mà không làm sẽ dẫn đến hậu quả, mà như 1 tuần vừa qua có thể thấy là hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

    Vụ lật tàu ở Thanh Hóa và liền sau đó là 3 vụ tai nạn đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng tronng khoảng 1 tuần nhưng sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành có phần chậm trễ khiến dư luận xã hội bức xúc.

    PV:  Trách nhiệm của người đứng đầu ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải cần phải được nhìn nhận như thế nào trong các vụ tai nạn nghiêm trọng như vừa qua, thưa ông?

    GS.TS Đặng Đình Đào: Như tôi đã nói, hệ thống đường sắt đơn, khổ 1m nhưng lại không có hệ thống đường gom để xử lý kịp thời nên việc người dân dễ dàng băng qua cũng dễ hiểu. Một thực tế chứng minh, tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng hơn ở cả đường bộ và đường sắt là do hệ thống đường gom quá hẹp. Hệ thống đường gom hỗ trợ cho đường quốc lộ cho đường sắt Quốc gia hiện không được xây dựng, không được quan tâm đầu tư, bộ Giao thông Vận tải chỉ quan tâm dựng bốt BOT để thu tiền.

    Với hệ thống đường lộ Quốc gia, hệ thống đường gom hiện nay mới đạt 14-15%, trong khi đó, đáng ra nó phải gấp đôi con số ấy. Đó là con số đáng báo động để phải đầu tư. Tôi thấy ngành Giao thông đang quá say sưa với việc mở rộng, xây dựng, rải thêm, vá đường để đặt BOT thu tiền. Việc này để lại những khoảng trống ở những tuyến đường cần phải làm để hạn chế tai nạn.

    Đã đến lúc phải nâng cao trách nhiệm của ngành Đường sắt. Những vụ tai nạn nghiêm trọng như thế này, ngành Đường sắt và bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai. Doanh nghiệp, công nhân, nhân viên chỉ là một phần, “tư lệnh” ngành cũng phải chịu trách nhiệm. Đã đến lúc chúng ta phải xử lý nghiêm với người đứng đầu ngành Đường sắt khi để xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy.

    Vì sao chỉ sập 1 cái cầu mà Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Hàn Quốc từ chức, còn ở Việt Nam thì không? Ở nước Bỉ, tù nhân đặc biệt trốn tù, Bộ trưởng bộ Nội vụ xin từ chức. Còn chúng ta, liên tiếp các vụ tai nạn gây thương vong lớn, "tư lệnh" ngành vẫn yên vị.

    PV: Như ông nói, cần xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu. Vậy, quan điểm cá nhân, ông thấy rằng hình thức xử lý nào là phù hợp và thể hiện sự nghiêm minh trong trường hợp này?

    GS.TS Đặng Đình Đào: Nghị quyết Trung ương 7 khi bàn tới công tác cán bộ đã nêu rõ vấn đề quy trách nhiệm người đứng đầu. Tôi đề nghị chúng ta vận dụng ngay vào trường hợp lần này, chống chạy chức chạy quyền là không cho lên, xuống một cách nhẹ nhàng. Nếu không làm được việc, để xảy ra quá nhiều bất cập trong lĩnh vực mình quản lý thì hãy từ chức.

    Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải có những bước đi cần thiết như cách chức người đứng đầu ngành Đường sắt để những người làm lãnh đạo sau này thấy được gương để làm việc đến nơi đến chốn.

    PV: Cả 4 vụ tai nạn xảy ra nhưng người dân phản ánh rằng, ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn không hề có bóng dáng của lãnh đạo ngành Đường sắt cũng như lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý khắc phục hậu quả. Ông đánh giá thế nào về vai trò mờ nhạt của “tư lệnh” ngành trong xử lý các vấn đề nóng như thế này?

    GS.TS Đặng Đình Đào: Đáng ra, lãnh đạo ngành Đường sắt phải tới hiện trường, xin lỗi trước nhân dân mới đúng. Ông Minh chủ tịch tập đoàn thành viên phải xin lỗi người dân (ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - PV). Chúng ta đã có nhiều văn bản về quy trách nhiệm người đứng đầu nhưng giữa văn bản và vấn đề thực thi là khoảng cách dài.

    PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của ông!

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-cach-chuc-tu-lenh-nganh-duong-sat-a231051.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan