(ĐSPL) – ĐBQH Khóa XIII Bùi Thị An cho rằng hành vi của cán bộ Hoàng khi hành hung cụ ông 76 tuổi, nếu đúng như tố cáo, là hành vi không thể chấp nhận được đối với một cán bộ Sở.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin miêu tả một cụ ông 76 tuổi đi tập thể dục đến đoạn đường Trần Đại Nghĩa (gần khu tập thể ĐH Bách khoa Hà Nội) thì bị một cô gái trẻ đi xe máy trái chiều húc ngã.
Sau khi va chạm với cô gái, cụ ông này bị một người đàn ông được cho là “cán bộ” của thành phố Hà Nội hành hung đến mức phải nhập viện.
Cụ ông 76 tuổi bị hành hung đến nhập viện. |
Người hành hung cụ ông 76 tuổi được xác định là ông Nguyễn Đức Hoàng (SN 1977), Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại, Sở Ngoại vụ Hà Nội.
Ông Phạm Vinh Quang - Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, cho biết Ban Giám đốc Sở đã họp khẩn về vụ việc liên quan đến cán bộ thuộc Sở này hành hung một cụ ông 76 tuổi. Sở Ngoại vụ Hà Nội xác định, đây là sự việc hết sức nghiêm trọng và đang yêu cầu cán bộ này viết báo cáo giải trình về sự việc. Vụ việc đã được báo cáo lên lãnh đạo TP Hà Nội.
Liên quan đến sự việc trên, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An cho biết, hành vi của cán bộ Hoàng, nếu đúng như tố cáo, là không thể chấp nhận, trường hợp này nạn nhân lại là một cụ ông đã già đang trên đường đi tập thể dục thì càng không thể cho phép. "Có thể sự việc này xuất phát từ nguyên nhân quan hệ ngoài đường, tuy nhiên kể cả là công dân bình thường thì cũng không chấp nhận được", bà An nhấn mạnh.
“Tôi chưa biết nguyên nhân của sự việc có thể từ đâu, nhưng đó là một hành vi khó có thể chấp nhận được. Trong khi đó, ông Hoàng lại là một cán bộ của Sở Ngoại Vụ. Đây là vi phạm đạo đức, phẩm cách của người cán bộ rồi, đáng lẽ hành vi này thường chỉ xuất hiện ở dân xã hội.” – vị Đại biểu nói.
Theo Đại biểu An, mới đây thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cán bộ phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân và phải luôn nhớ "3 xin" là "xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi". Dù trong bất cứ tình huống nào, thì đã là một cán bộ nhà nước thì cần hết sức bình tĩnh để xử lý vấn đề. Mọi hành vi đều nói lên văn hóa và thể hiện phẩm cách. Hiện nay đang trong quá trình xây dựng các quy chế để cải các cách hành chính, TP. Hà Nội đang rất nghiêm khắc với những hành vi không đúng với những ứng xử của cán bộ với người dân.
Bên cạnh đó, Đại biểu An hoan ngênh sự nhạy bén, tức thời của Sở Ngoại Vụ Hà Nội. Theo bà An, mặc dù đây là chuyện cá nhân của cán bộ Hoàng song cũng ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ công chức Sở Ngoại Vụ. Điều này cũng thể hiện sự nghiêm khắc của Sở Ngoại Vụ, việc yêu cầu cán bộ Hoàng giải trình là hết sức đúng đắn.
“Đáng lẽ ra là cán bộ của Sở thì cần đi đầu trong quan hệ, ứng xử chứ không nên để xảy ra sự việc này.” – Đại biểu An nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ, ông Nguyễn Đức Hoàng là Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội. Từ tháng 9/2016, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định bỏ tên trung tâm này, trung tâm cũng không còn trực thuộc Sở Ngoại vụ mà sáp nhập vào Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch TP.Hà Nội. Tuy nhiên, về mặt nhân sự, ông Hoàng vẫn là cán bộ thuộc quản lý của Sở Ngoại vụ.
Báo Giao thông đưa tin, Thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, cơ quan công an đã triệu tập ông Nguyễn Đức Hoàng (SN 1977, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội) lên làm việc.
Điều 104 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Hải Đăng
Clip đang được xem nhiều:
[mecloud]WYJopDGAUM[/mecloud]