Con về đến nhà liền vứt quần áo lung tung, con thông minh nhanh nhẹn mà không thể kiên trì, nhẫn nại nguyên nhân là do con không tự lập từ nhỏ.
Cách giáo dục tự lập từ sớm của mẹ Việt ở Úc
Chia sẻ của chị Lê Thu Trang – một bà mẹ Việt đang làm Fashion Blogger/Youtuber tại gocDani tại Melbourne, Úc đang kiên trì theo đuổi việc chơi cùng con, học cùng con bằng những phương pháp giáo dục sớm. Chị Trang hiện đã kết hôn được 7 năm và có 1 con gái 22 tháng tuổi
- Chị được nhiều người biết đến là một bà mẹ trẻ luôn sáng tạo, đột phá để có cách giáo dục con riêng giúp con tự lập ngay từ nhỏ. Từ đâu chị nảy sinh việc làm này?
Giai đoạn con 9 - 14 tháng thì tôi gần như tập trung hoàn toàn thời gian cho con. Khi con hơn 14 tháng thì tôi giãn ra từ từ, dành thời gian nhiều hơn cho blog, quay sửa video. Và bây giờ khi con 21 tháng tôi cho con đi trẻ 3 ngày 1 tuần để dần dần quay lại công việc.
Chị Lê Thu Trang – một bà mẹ Việt đang sinh sống tại Melbourne, Úc
Tôi không dám nhận là đột phá vì những cái tôi đang cố áp dụng cho con đã được làm từ những năm 1880, 1920. Tôi luôn yêu thích những em bé ngoan, tự lập và tôi cũng nhìn thấy có nhiều căng thẳng trong gia đình chỉ vì cha mẹ không dạy được con tự lập, để rồi về đến nhà cái quần áo cũng vứt lung tung, mẹ nhắc nhiều thì không vui, mà mẹ đi dọn hoài thì mẹ khó chịu. Hay có những thiếu niên thông minh nhanh nhẹn nhưng không có đủ sự kiên trì nhẫn nãi để làm việc gì, từ việc học đến việc làm.
Tất cả những việc to tát đều bắt đầu với những viên gạch nền rất nhỏ mà cha mẹ xây dựng cho con trong 18 năm đầu đời. Bây giờ thế giới kết nối, mình chỉ giữ con bên cạnh được 18 năm thôi. Tôi muốn dốc sức dạy con trong 18 năm để sau đó con có thể sải cánh bay xa, và để cả nhà khi ở bên nhau luôn vui vẻ, chứ không phải bực dọc vì những việc nhỏ như mình nấu cơm con không biết giúp, ăn xong không biết dọn hay khoán trắng việc giặt giũ cho mẹ.
Nghĩa là tôi cố gắng trang bị cho con những kĩ năng cần thiết để về mặt công việc con thăng hoa trong công việc yêu thích, còn về mặt giao tiếp xã hội thì là người sống biết điều, biết trước biết sau. Tôi nghĩ bất cứ người nào kém một trong hai mặt này đều sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
- Chị có mất quá nhiều thời gian cho những việc làm trên không và chúng có ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của chị?
Ở mỗi giai đoạn tôi nghĩ con cần mẹ và cần sự quan tâm của mẹ theo cách khác nhau. Trước 18 tháng khi trẻ con sợ xa mẹ (separation anxiety), nhưng sau 18 tháng thì tôi nghĩ các bé nên được đến trường, được giao tiếp với bạn bè, và con học được rất nhiều qua các trò chơi. Bên nước ngoài có nhiều gia đình không cho con đi học mà dạy con ở nhà (homeschool), tôi thấy đó cũng là ý tưởng hay.
Bé Minh Anh có thể làm được một số công việc không cần nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ.
Thường khi các bậc cha mẹ đã chủ ý homeschool thì họ sẽ đầu tư phòng ốc, học cụ, cũng như giáo trình rất cẩn thận, và cha mẹ ở nhà trở thành thầy cô giáo cho con. Như thế con cũng học được nhiều.
Tôi thì không đi theo hướng homeschool nên khi An 21 tháng tôi gửi con đi học lại. Tôi cũng điều chỉnh lại giờ giấc để chơi mà học cùng con. Mỗi khi đón con về tôi sẽ chủ ý nói chuyện liên tục với con đến tận giờ cho con đi ngủ. Mẹ vừa nấu cơm vừa chơi với con, kể chuyện, hát cùng nhau. Trong giai đoạn này tôi đang muốn dạy con phân biệt màu thì mình sẽ hướng các trò chơi vào việc đó. Con có thể giúp mẹ cắt rau, úp bát sạch. Nghĩa là từ lúc 5h chiều đến 7h30 mẹ sẽ nói như một cái máy khâu. Đó là cách các bậc phụ huynh GDS đã áp dụng, tôi thấy phù hợp với quỹ thời gian của mẹ con bây giờ nên làm theo.
- Việc giáo dục con sớm như vậy không phải là một việc dễ dàng, vậy để thực hiện, theo đuổi chúng chị có đề ra những nguyên tắc gì không?
Tôi quan niệm con cái mình không phải vật thí nghiệm, và cha mẹ cũng không nên là nạn nhân của các chiến lược marketing. Trước khi muốn áp dụng điều gì cho con hãy vào google tìm hiểu thật kĩ thông tin ngọn ngành.Tuy nhiên khi giáo dục con, tôi cũng có những nguyên tắc nhất định:
- Đọc thật nhiều. Hiểu biết là sức mạnh
- Giáo dục sớm là đồng hành cùng con
- Luôn tiếp cận mọi việc trước tiên bằng cách khơi gợi hứng thú
- Tôn trọng con như một người lớn tí hon, hạn chế tối đa việc la mắng. Quát con có thể giải quyết được tình huống hiện tại vì con sợ, nhưng nếu lạm dụng thì khi con lớn sẽ sinh ra tâm lý chống đối. Nói vậy chứ đôi khi mệt quá tôi cũng có nói to một câu đấy.
- Nhất quán và kiên trì.
- Người lớn làm gương.
- Luôn quan sát con để sớm phát hiện ra những điểm cần phát huy hay hạn chế.
- Cố gắng quản lý tốt quỹ thời gian để có thể vừa dạy được con lại vừa theo đuổi được công việc. Nhà cửa không thể sạch như ly như lau nhưng cũng đành chịu.
Cha mẹ phải kiên trì
- Người ta nói giáo dục đơn thuần cho con luôn là một cuộc chiến và cuộc sống hiện đại khiến phụ nữ bận rộn và nhiều mối quan tâm hơn, điều đó cũng có nghĩa thời gian họ dành cho gia đình và con cái ngày càng ít đi. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp thời gian giữa công việc, nhu cầu cá nhân để vừa đi làm, vừa làm mẹ đơn thuần, vừa giáo dục sớm.
Hiện tại tôi đang áp dụng 1 cách rất hiệu quả, đó là lên lịch làm việc từ ngày hôm trước để hôm sau bật ra khỏi giường là tôi có thể chạy đua như cái máy.
Khi đã hình dung rõ ngày hôm sau phải làm gì thì tự dưng ta sẽ thấy phải dậy sớm hơn, làm việc này nhanh hơn thì mới kịp để làm việc kia.
Việc giáo dục sớm cho con luôn không phải là một công việc dễ dàng.
Tôi thường ghi ra danh sách các việc cần làm, rồi sắp xếp cái nào làm trước cái nào làm sau. Có những hôm kín lịch quá phải ghi kĩ đến tận giờ nào làm việc nào, vì phải sắp xếp mọi việc theo lịch ngủ của con, tranh thủ lúc con ngủ quay phim.
Còn những hôm không quá bận rộn thì không cần viết lịch cụ thể nhưng luôn tâm niệm sắp xếp mọi việc sao cho không lẹm vào thời gian dạy con. Ở thời điểm này đó chính là lúc đón con từ trường về cho đến khi đưa con lên giường đi ngủ. Trước khi đi ngủ cũng là lúc tuyệt vời để mẹ con cùng học chữ, đọc truyện, hát hò với nhau.
- Rõ ràng để trở thành một người mẹ giáo dục con tốt thì không chỉ bản năng là đủ mà rất cần đến kỹ năng. Theo chị, làm thế nào để người lớn có kỹ năng dạy con tốt.
Tôi nghĩ để thành công trong việc giáo dục con thì người mẹ cần có 3 kỹ năng: Thứ nhất: Đọc và quan sát. Không phải ai cũng thích đọc và chịu đọc, nhưng vốn dĩ tạo hoá chỉ cho ta bản năng nuôi con chứ không phải dạy con. Và ta phải tự trang bị kiến thức đó thông qua việc đọc và quan sát xung quanh để tự rút kinh nghiệm.
Thứ hai: Biết cách sắp xếp thời gian và khi đã có đủ kiến thức trong đầu rồi thì mẹ phải biết sắp xếp để có đủ thời gian dành cho con.
Thứ ba: Quyết tâm và kiên trì. Bạn sẽ nghe rất nhiều “muốn dạy con lắm mà không có thời gian". Thực ra đó là việc bạn phải xoay sở cho bằng được. Sắp xếp lại các công việc khác, bớt cafe, bớt Facebook, vv.. Nếu bạn kiên trì dành được cho con chỉ khoảng nửa tiếng đến một tiếng mỗi ngày thôi, mẹ con chơi với nhau thật chất lượng, thì đã là quý lắm rồi. Hiện giờ ngoài những hôm con ốm thì riêng bedtime của hai mẹ con lúc nào cũng vào khoảng 45 phút. Tôi chỉ định nửa tiếng thôi nhưng rồi vui quá cứ cuốn đi, có hôm cả tiếng lúc nào chẳng hay.
- Làm sao để chị vượt qua những khó khăn khi theo đuổi một phương pháp giáo dục không hề dễ dàng? Chị làm cách nào để có sự kiên trì để hiện thực hoá mong muốn của mình?
Tôi có lợi thế là không ở Việt Nam nên không bị áp lực về việc dạy con từ xã hội và từ ông bà. Nói vậy chứ khi Minh An nhỏ ông bà đôi khi cũng ý kiến này kia, giờ thì hết rồi. Quan trọng nhất tôi thấy là người mẹ phải xác định với bản thân họ chính là người chịu trách nhiệm chính của việc dạy con. Đó là việc họ phải làm chủ, được hưởng trái chín cũng như lãnh trọn hậu quả, thế nên không việc gì phải đấu khẩu để giành phần thắng với bất cứ ai, hãy cứ lẳng lặng mà làm những gì bạn thấy đúng.
Sự kiên trì có lẽ là kết quả của niềm tin. Tôi đọc nhiều tài liệu và thấy thành quả có được từ kiểu giáo dục tôi đang theo đuổi nên tôi muốn thực hiện nó. Tin nhưng không cực đoan nhé, tôi muốn nhấn mạnh rằng, mỗi người chọn một cách dạy con khác nhau, chỉ cần nó được xây dựng từ nền tảng của sự hướng thiện, tình yêu thương và tôn trọng đứa trẻ thì tôi thấy đều quý.
Cách giao tiếp hiệu quả với con
Là một mẹ Việt sinh con và nuôi dạy con ở trời Tây, chị Đoàn Phạm Hà Trang cũng như nhiều mẹ Việt, thường xuyên học hỏi những kinh nghiệm hay để nuôi dạy con. Chị đặc biệt coi trọng việc giao tiếp với bé Subi và luôn thể hiện việc mình tôn trọng con cái qua từng ngôn ngữ hàng ngày.
Chính vì thế, ngay từ khi Subi còn nhỏ, chị đã luôn tuân thủ những nguyên tắc giao tiếp với con nhất định. Chị lúc nào cũng có suy nghĩ: "Hãy nói chuyện với con như cách mà bố mẹ muốn người khác nói chuyện với mình".
Câu chuyện đáng suy ngẫm chị chia sẻ dưới đây cũng là cách chị đang áp dụng hàng ngày để hoàn thiện hơn việc giao tiếp với con:
Trên đường về trường đón Subi chiều nay, ngồi cùng trên bus là bốn mẹ con nhà nọ. Cô gái làm mẹ còn khá trẻ, tóc buộc sau, môi bấm hai khuyên. Ba bé, bé chị mặc bộ đồng phục của trường tiểu học đối diện trường Subi; bé trai thứ hai tầm 4 tuổi, sau vai hay đeo một chú voi nhỏ, có dây dài để mẹ có thể cầm, giữ em không chạy lung tung; bé bé nhất nằm trong xe đẩy.
Cũng chẳng có gì đáng chú ý, nếu không phải vì hai ngày liên tiếp mình đều cùng ngồi với họ trên một chuyến xe bus và thái độ cùng cách nói của cô gái với các con của chính mình đều như nhau khiến mình không thể rời mắt khỏi họ. Cô nói to, mệnh lệnh với những đứa trẻ: “Ngồi xuống!”, “Ngồi xuống ngay!”, “Im đi!”. Câu cuối cùng cô kèm thêm trợn mắt và hai hàm răng nghiến chặt vào nhau để nhấn mạnh.
Một câu chuyện khác, cách đây không lâu, khi mình cùng Subi vào khu vực ăn uống của một trung tâm thương mại. Hai mẹ con đang ăn, Subi chỉ vào cái cánh gà, mẹ chưa kịp đưa, em hét lên. Một lúc sau em lặp lại y như lần trước. Sau mỗi lần ấy, Subi nhận được cái lườm sắc như dao, cùng thái độ khó chịu và cau mày của hai mẹ con bàn bên. Bà mẹ tầm ngoài 50 và cô gái chắc cũng 20 trở ra.
Chị Trang và bé Subi. |
Lần thứ hai khi họ tỏ thái độ như vậy, mình bế Subi bước về phía họ. Trên đường đi, mẹ dặn Subi: “Vì con hét làm ảnh hưởng đến mẹ con bác ấy, nên mẹ con mình sẽ sang xin lỗi họ nhé!”. Bế Subi tiến gần đến họ, mình nói: “Tôi là mẹ em bé bàn bên vừa hét làm ảnh hưởng đến mẹ con chị. Vì cháu chưa biết nói nên tôi thay cháu xin lỗi chị. Tôi cảm thấy chị và con gái chị đang rất tức giận qua cái lườm ấy, nhưng thái độ chị dành cho cháu hơi quá. Tôi không muốn cháu lớn lên, cũng sẽ lườm và giận dữ như vậy với những người xung quanh, đặc biệt là với người lạ.”. Nói xong, mẹ nói Subi tạm biệt hai mẹ con bác ấy quay trở lại bàn. Đương nhiên, sau ấy mẹ có giảng giải cho Subi về việc Subi đã làm.
Một lúc sau, họ sang bàn mình, xin lỗi hai mẹ con và cúi người, để cùng cao tầm Subi, nói xin lỗi Subi và mong Subi đừng để bụng.
Hai câu chuyện về cách ứng xử, lời nói và cách nói với những đứa trẻ. Với mình, mình luôn nói chuyện với Subi như cách mình muốn người khác nói với mình. Và nói với con mọi chuyện có thể, ở mọi lúc, mọi nơi cho phép.
Một vài "nguyên tắc" chị Trang thường áp dụng khi nói chuyện với con:
1. Nói với con chậm rãi, nhẹ nhàng, từ tốn
Mình luôn diễn giải cho Subi hiểu vì sao nên thế này mà không phải thế kia. Câu nói có thể dài, từ có thể khó, nhưng nhất định phải nói từ từ, rành rọt và nhẹ nhàng. Mức độ của thái độ biểu hiện có thể tăng dần từ nhẹ nhàng đến nghiêm nghị nhưng không dùng độ to nhỏ của lời nói để mắng mỏ hay trì triết con.
Chị Trang bắt đầu giao tiếp với con từ khá sớm. |
2. Dùng NÊN thay cho PHẢI
Không ai muốn nghe người khác ra lệnh cho mình. Thế nên mình luôn làm theo hướng khuyên Subi chứ không phải là mệnh lệnh cho con. Trong trường hợp bắt buộc dùng “phải”, cũng sẽ dùng với một thái độ mềm mỏng. Cùng một nghĩa như nhau, nhưng hai cách nói là hai thái độ khác nhau và đương nhiên mức độ truyền tải để được kết quả như ý sẽ khác nhau.
3. Nói chuyện với con mọi lúc có thể
Mình luôn dặn Subi nên thế nào khi nước mũi chảy trên lớp,… (trên đường đi), kể Subi nghe một ngày của mẹ ra sao khi Subi đến trường,… (trên đường về). Con học được rất nhiều từ và cách nói qua những lúc như vậy.
4. Cho con làm quen với “CẢM ƠN” và “XIN LỖI” quan những nhỏ nhặt hàng ngày
Khi đã dạy Subi tự lập, mình vẫn nói cám ơn con khi con làm được những việc đó: “Mẹ cảm ơn Subi nhé! Subi cất giầy cho mẹ gọn gàng quá!”,… và mình cũng nói xin lỗi con, khi mẹ làm điều ngược lại với những cái mẹ chỉ con hàng ngày, ví dụ: khi Subi tự leo cầu thang, giữa chừng mẹ muốn đi nhanh hơn vì có nồi nước sôi đang đợi trên nhà: “Mẹ xin lỗi Subi nhé, hôm nay mẹ bế Subi một hôm lên cầu thang, vì nước mẹ đun trên nhà đang sôi quá rồi, không lên nhanh thì cạn nước mất. Mai Subi lại tự đi cầu thang giỏi nhé!”.
Mình luôn tạo cơ hội để Subi làm quen với việc biết nói "cảm ơn" và "xin lỗi" khi cần thiết để Subi không chỉ biết nhận mà còn biết bày tỏ sự cảm kích khi được nhận cái người khác làm cho mình và cũng để Subi biết lên tiếng khi mình chưa đúng chứ không phải yên lặng và coi như thế là xong. Một chữ “ạ” của một em bé chưa biết nói cũng là cảm ơn, và nó làm ấm lòng biết bao “người mang ơn” đến cho mình.
5. Nói chuẩn từng từ với con
Mình không bao giờ nựng Subi theo kiểu: “Tó" con của mẹ đây rồi” hay “con hị con ghét quá đi”,… Mình luôn nói từ nào chính xác từ ấy. Có thể yêu bằng ngôn ngữ nhưng không yêu bằng cách biến đổi độ chính xác của ngôn từ. Subi 21 tháng, ở một môi trường chỉ tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ ở nhà với bố mẹ, thi thoảng là bạn của bố mẹ nhưng lượng từ Subi nói được tính đến thời điểm này không ít so với điều kiện tiếp xúc ngôn ngữ hạn hẹp. Và đặc biệt, Subi nói từ nào, rõ, đúng và không hề ngọng.
6. Diễn giải mọi điều
Mình luôn diễn giải cho con mọi chuyện bất kể Subi thời điểm ấy bao nhiêu tháng. Mình không coi Subi như một em bé mà là coi con như một người bạn. Mình cũng không coi thường con, hay có suy nghĩ nói con sẽ chẳng hiểu mình nói gì, mà sẽ nói với con chẳng sợ chút rào cản ngôn ngữ nào. Mình làm với Subi việc này khi Subi còn trong bụng mẹ từ 5 tuần. Và trong suốt quá trình nuôi Subi đến giờ, rõ ràng những gì Subi thể hiện ra cho mình thấy, con hiểu hết những gì mẹ tâm sự.
Thái độ và tinh thần khi giao tiếp với con là điều rất quan trọng. |
7. Nói đúng với con những gì đang diễn ra
Không vì muốn dỗ dành con mà giải thích cho con những cái chưa đúng với thực tế. Có lần xế chiều, Subi khóc đòi mẹ bế. Bà nội đang nói chuyện qua điện thoại với Subi thấy vậy, thay vì giải thích hoặc đánh lạc hướng con thì bà nói: "Ô bố về kìa Subi kìa!" Ngay lập tức mình phải bảo bà, bà đừng nói thế ạ. Subi nghe bà nói hớn hở chạy ra cửa nhưng không có bố. Subi khóc nức nở. Mẹ đành nói với Subi: "Bà nói chuyện qua điện thoại nên nghe nhầm con ạ. Bố một lát nữa là về với Subi rồi. Tí bố đi làm về bố bế Subi nhé!".
Subi vui vẻ ra vẽ, quên tiệt chuyện lúc nãy đang muốn mẹ bế và chấp nhận việc bố chưa về một cách bình thường. Subi học được cách nói chính xác, đối diện và vui vẻ chấp nhận thực tế qua mỗi lần như thế. Con không được ăn kem vì kem ngọt, không tốt cho sức khoẻ chứ không phải vì ông ộp đến kìa, ông không cho ăn đâu, sợ lắm.
Ngôn ngữ con dùng, cách biểu đạt con thể hiện và tính cách con hình thành qua những va chạm hàng ngày. Chuẩn bị cho con một tương lại tốt, tiền bạc là thứ quan trọng lắm, song với mình, quan trọng hơn cả là thời gian và chất lượng thời gian dành cho con; là tinh thần, thái độ mỗi phút giây bố mẹ bên con.
Tổng hợp