Ngày 27/6 (giờ địa phương), nhóm 7 nước giàu nhất thế giới G7 đã đưa ra cam kết chung về việc sát cánh cùng Ukraine "vô thời hạn" trong cuộc xung đột hiện nay với Nga. Theo đó, G7 sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và ủng hộ các cam kết an ninh cho Kyiv trong một dàn xếp sau xung đột.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu như giá năng lượng tăng cao đã trở thành chủ đề chính, chi phối hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.
Trong tuyên bố chung về Ukraine, G7 cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao và sát cánh với Ukraine vô thời hạn".
Tuyên bố được đưa ra vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại lâu đài ở Bavarian Alps, Munich (Đức) sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 về tình hình xung đột hiện.
Một quan chức châu Âu cho biết trong bài phát biểu này, ông Zelenskiy đã yêu cầu các nước G7 tiếp tục cung cấp các hệ thống phòng không, các biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga và đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tổng thống Ukraine nói thêm rằng ông mong cuộc xung đột này có thể kết thúc vào cuối năm nay trước khi mùa đông bắt đầu.
Sau những chia sẻ của ông Zelenskiy, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định họ sẽ tiếp tục phối hợp các nỗ lực để đáp ứng các nhu cầu quân sự cấp bách của Ukraine, sẵn sàng làm việc với các quốc gia khác và duy trì các cam kết về an ninh.
Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh Ukraine sẽ tự quyết định một giải pháp hòa bình trong tương lai, không bị áp lực và ảnh hưởng từ bên ngoài. Tuy nhiên, G7 cũng thể hiện sự sẵn sàng ủng hộ kế hoạch tái thiết quốc tế do Ukraine phối hợp với các đối tác vạch ra và thực hiện.
Người chủ trì hội nghị G7 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, tuần trước cho biết nước này cần một "Kế hoạch Marshall", giống như chương trình của Mỹ nhằm xây dựng lại châu Âu sau Thế chiến thứ hai.
Các nhà lãnh đạo G7 đã sẵn sàng cung cấp, hoặc đã cam kết hoặc hỗ trợ tới 29,5 tỷ USD vào năm 2022 để giúp Ukraine thu hẹp khoảng cách tài chính. Từ năm 2014 đến năm 2021, nhóm đã cung cấp hơn 60 tỷ USD hỗ trợ Ukraine.
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết gây áp lực kinh tế lên "chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin và những người giúp đỡ họ ở Belarus, tước bỏ các phương tiện kinh tế của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine".
Họ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với những người chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột, thực hiện "quyền hạn bất hợp pháp" ở Ukraine hoặc giúp đỡ các nỗ lực làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Minh Hạnh (Theo Reuters)