+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đã là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải phê duyệt giá bán

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đã gọi là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá. Bởi doanh nghiệp đầu tư nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao và không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch.

    Nhà nước cần duyệt giá nhà ở xã hội

    Theo báo Tuổi trẻ, sáng 5/6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, nhà ở xã hội có hai loại, bao gồm do Nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa (do doanh nghiệp đầu tư).

    bo truong bo tai chinh da la nha o xa hoi thi nha nuoc phai phe duyet gia ban
    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Hoàng Phong

    Theo Bộ trưởng Bộ tài chính, nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì ghi rõ là UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh là người quy định giá bán và giá thuê.

    "Vì đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội", ông Phớc lý giải.

    Bên cạnh đó, nhà ở xã hội mà do doanh nghiệp đầu tư, ông Phớc thông tin hiện nay chúng ta chưa quy định giá bán là ai duyệt. Tuy nhiên, theo ông Phớc, đã gọi là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá. Bởi doanh nghiệp đầu tư nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao và không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch.

    Do đó, đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa. Nếu doanh nghiệp tiết kiệm hơn thì có lời.

    Như vậy mới đảm bảo bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng và khống chế được. Nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.

    "Tôi muốn nhấn mạnh dù là dạng nhà ở do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước vẫn đều phải quyết giá.

    Đối với Nhà nước đầu tư bán đúng giá, còn với doanh nghiệp phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội", ông Phớc nhấn mạnh.

    Thêm nữa, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ phải quy định trong luật phần hạ tầng nhà ở xã hội, nếu không sau này sẽ rất khó.

    Trong đó, phí để bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao cho UBND tỉnh ban hành. Không có phí này, mỗi khu chung cư đặt ra một phí sẽ rất khó.

    "Nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng, tức chỉ đi cầu thang bộ. Nhưng giờ phải đi thang máy và các hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp.

    Muốn chuyên nghiệp phải bỏ phí ra, tức cần có kinh phí bảo trì. Kinh phí bảo trì chính là người lao động, đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả.

    Đối tượng này là những đối tượng nghèo, yếu thế, do vậy phải duyệt giá, chứ không thể để chủ đầu tư tự nâng giá lên thế nào cũng được", ông Phớc nêu thêm.

    Phát triển khu công nghiệp dứt khoát phải có nhà ở xã hội

    Cũng trong thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, nói về nhà ở công nhân, theo ông Phớc có hai loại. Cụ thể, một loại trong khu công nghiệp thì đương nhiên phải để cho các nhà máy luân chuyển.

    "Hôm nay anh là công nhân sẽ được thuê, nhưng ngày mai không phải là công nhân phải đi chỗ khác thuê. Mục tiêu là phục vụ cho nhà máy, đòi hỏi phải cho thuê đúng đối tượng", ông Phớc nói thêm.

    Loại thứ 2, theo ông Phớc là ở ngoài khu công nghiệp cũng có thể làm nhà ở công nhân. Ông chỉ rõ nếu đất đấu giá để làm theo quy hoạch thì họ quyết định giá cho thuê.

    Còn nếu đất đó là đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước phải quyết định giá để tạo điều kiện cho công nhân có thể trả tiền thuê.

    Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu cũng nêu quan điểm về vấn đề này: "Thực chất lâu nay phát triển khu công nghiệp chưa đưa vấn đề này vào, kể cả quy hoạch".

    Ông Lê Trường Lưu đặt vấn đề, nhà lưu trú cho công nhân nằm ở mép khu công nghiệp có được không? Bởi tại Thừa Thiên - Huế một số khu công nghiệp bố trí vùng đất ven để xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân. Ông đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này, "trong khu công nghiệp và ven khu công nghiệp", Vietnamnet đưa tin.

    bo truong bo tai chinh da la nha o xa hoi thi nha nuoc phai phe duyet gia ban1
    Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên. Ảnh: Như Ý

    Thông tin trên báo Tin tức, đề xuất giống Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, cần quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội...

    Đại biểu cũng đề nghị, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội với mục đích phi lợi nhuận; thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn.

    Nêu một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) đưa ra ý kiến, một trong những vấn đề đang khó gỡ cho nguồn đất đai xây dựng nhà ở cho người có công, thu nhập thấp là do giá đất đai quá cao.

    Đại biểu đề xuất việc lập các doanh nghiệp công ích thực hiện các dự án công ích, đồng thời có chính sách miễn giảm thuế, giải pháp đặc thù cho doanh nghiệp này.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-tai-chinh-da-la-nha-o-xa-hoi-thi-nha-nuoc-phai-phe-duyet-gia-ban-a577782.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ Xây dựng: Sẽ xử lý các vi phạm liên quan đến mua bán nhà ở xã hội

    Bộ Xây dựng: Sẽ xử lý các vi phạm liên quan đến mua bán nhà ở xã hội

    Việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho những người thu nhập thấp... là những chính sách rất nhân văn, lo chỗ ở cho người lao động. Đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.