Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (bộ NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020. Đặc biệt là việc đối phó với Covid - 19 ở động vật.
Các địa phương không được lơ là trong việc phòng chống dịch
Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng cục Thú y (bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến 11/2, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 địa phương là: Hà Nội (4 ổ dịch tiêu hủy 6.807 con);Bắc Ninh(2 ổ dịch, tiêu hủy 8.731 con vịt); Quảng Ninh (1 ổ dịch, tiêu hủy 3000 con gà); Thanh Hóa (3 ổ dịch, tiêu hủy 21.184 con gia cầm); Nghệ An (3 ổ dịch, tiêu hủy 344 con gia cầm).
Theo báo cáo của cục Thú y, tình hình dịch cúm gia cầm đã được các địa phương kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng, các ổ dịch xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vắc xin.
Virus cúm A/H5N6 xuất hiện từ năm 2014 đến nay, nhưng rất may Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus A/H5N6 gây ra.
Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Bộ trưởng bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường nhận định, các địa phương không được lơi là trong việc phòng chống dịch bệnh bởi có thể thời gian tới đây, dịch bệnh rất có thể xảy ra do thời tiết thay đổi bất lợi, tổng số đàn gia cầm rất lớn, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ lễ hội đầu năm tăng cao... đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Để phòng, chống cúm A/H5N6 trong thời gian tới, bộ NN&PTNT chỉ đạo các ban ngành, các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật thú y, Quyết định số 172/QĐ-TTg này 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh CGC giai đoạn 2019-2025” với những nội dung: Tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh; Đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y; Bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; Tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; Tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh; Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế.
Chuẩn bị năng lực đối phó với Covid- 19 ở động vật
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 (virus Corona) đang diễn ra phức tạp và lan rộng, bộ NN&PTNT chỉ đạo các cấp, ban ngành địa phương chủ động ứng phó với dịch bệnh viêm phổi do chủng Covid-19 gây ra. Qua đó, bộ NN&PTNT chuẩn bị năng lực chẩn đoán, xét nghiệm và giám sát Covid-19 ở động vật. Theo đại diện cục Thú y, hiện nay đơn vị có 8 phòng thí nghiệm có năng lực xét nghiệm các loại mầm bệnh ở động vật, kể cả các mầm bệnh có khả năng lây lan sang người như Cúm gia cầm, Dại...
Từ năm 2013-2019, cục Thú y đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy mẫu phân swab, nước bọt, phủ tạng trên động vật hoang dã như dơi, chuột, cầy hương, gà rừng, lợn rừng,... để xét nghiệm lưu hành các virus có khả năng lây truyền giữa động vật và con người: Coronavirus, Flavivirus, Rhabdovirus... tại các tỉnh phía Nam thì lấy mẫu ở rừng Đồng Nai, Đồng Tháp và chú dơi Sóc Trăng.
Hiện nay, Chi cục Thú y đã có quy trình và có đủ nguyên liệu để xét nghiệm khoảng 1.000 mẫu đối với chủng chung Corona. Xây dựng Kế hoạch ứng phó với nguy cơ xuất hiện Covid- 19 ở động vật, bao gồm cả kế hoạch chủ động lấy mẫu động vật hoang dã để xét nghiệm xem có bằng chứng lưu hành của virus Covid-19 ở động vật hay không. Ngoài ra, cục Thú y cũng tham gia đầy đủ và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với tác động do Covid-19 trong ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, bên cạnh sự tích cực, quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, việc người dân, người chăn nuôi gia súc gia cầm có ý thức phòng chống dịch bệnh cho bản thân, cho đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa quan trọng. Mọi diễn biến, thông tin cần được cập nhật nhanh, chính xác nhằm góp phần chặn đứng các nguy cơ về lây nhiễm dịch bệnh.
Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 7