+Aa-
    Zalo

    Bộ GTVT trả lời về các vấn đề liên quan đến dự án BOT

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định tất cả các dự án BOT đều làm đúng quy trình.

    Trước nghi vấn của dư luận về việc các dự án BOT của Bộ GTVT có sai phạm và Thanh tra Chính phủ phải tiến hành thanh tra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định tất cả các dự án BOT đều làm đúng quy trình.

    Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ GTVT chưa làm sai quy trình một dự án BOT nào. Ảnh minh họa.

    Việc thanh tra các dự án giao thông là bình thường

    Liên quan đến việc cuối tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, đây là hoạt động bình thường.

    Ngoài ra, việc thanh tra cũng giúp Bộ GTVT nói riêng và những đối tượng được thanh tra có cơ hội giải trình và đề xuất những cơ chế chính sách mà tại thời điểm thanh tra quy định của Nhà nước chưa có.

    “Vừa rồi, có không ít thông tin cho rằng, do quy trình thực hiện các dự án BOT sai nên các dự án này bị thanh tra. Tôi khẳng định, Bộ GTVT chưa làm sai quy trình một dự án BOT nào”, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

    Về quy trình thực hiện dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, quan trọng nhất là công tác lựa chọn nhà đầu tư.

    Công việc này được giao cho ban quản lý dự án phối hợp với đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư, trên cơ sở tính toán (độ dài con đường, tổng mức đầu tư, mức thu phí, thu trong bao nhiêu năm) thời gian hoàn vốn, Bộ GTVT sẽ đưa thông tin lên mạng internet trong 45 ngày để nhà đầu tư nào quan tâm làm hồ sơ và Bộ thực hiện thẩm định hồ sơ đó. Nếu như chỉ có một nhà đầu tư tham gia, dự án sẽ do nhà đầu tư đó làm.

    “Tuy nhiên, từ tháng 6/2014 trở về trước thì hầu như các dự án chỉ có một nhà đầu tư tham gia, nên có thể nói gần như là chỉ định thầu. Thời gian sau này, có những dự án nhiều nhà đầu tư tham gia, thông thường Bộ GTVT sẽ đề nghị các nhà đầu tư liên danh để làm”, ông Trường cho biết.

    Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư sẽ có lễ động thổ và lễ khởi công công trình. Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư sau 3 tháng kể từ ngày động thổ phải khởi công công trình. Sau 6 tháng nếu nhà đầu tư không làm Bộ sẽ chuyển dự án cho nhà đầu tư khác.

    Trong thời gian từ 3-6 tháng, chủ đầu tư sẽ phải thành lập công ty liên danh (nếu có nhiều nhà đầu tư tham gia), góp vốn chủ sở hữu, tìm ngân hàng vay vốn, thuê tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát, thuê nhà thầu phụ. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà đầu tư phải lựa chọn tư vấn giám sát và thiết kế đã được Bộ thẩm định để đảm bảo chất lượng.

    Mức thu phí tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ là hợp lý

    Liên quan đến một số thông tin cho rằng, dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đang thu mức phí của tuyến đường mới (1.500 đồng/km) nhưng chỉ là đường cải tạo lại, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, mức thu phí này là hợp lý với đường 4 làn xe chạy êm thuận, tốc độ 100-120 km/giờ và giảm thiểu tối đa tình trạng ách tắc cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

    Ông Trường lý giải, tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ nếu làm mới phải mất từ 15.000-20.000 tỉ đồng và thu phí trong 20-30 năm mới hoàn vốn.

    Tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến đường tiền cao tốc, và nếu để cho xe chỉ chạy được 60-80 km/giờ thì những ngày lễ, tết cửa ngõ Thủ đô tắc hoàn toàn. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu nâng cấp tuyến đường này.

    Trước đây, phía Nhật Bản có đề nghị dùng vốn dư (ODA) của các dự án làm BOT tuyến đường này.

    Nhà đầu tư của Nhật đưa phương án nâng cấp tuyến đường trong 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 sẽ nâng cấp đường lên 4 làn xe, tốc độ 100-120 km/h, tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng và thu phí trong 5 năm. Giai đoạn 2 sau năm 2023 sẽ đưa lên cao tốc 6 làn xe, tổng mức đầu tư thêm 4.000 tỉ đồng. Tổng cộng toàn dự án có tổng mức đầu tư là 7.500 tỉ đồng.

    Tuy nhiên, do phía Nhật Bản chưa chốt thời gian thực hiện giai đoạn 2, nên Chính phủ không đồng ý.

    Sau đó, các nhà đầu tư của Việt Nam đã đưa ra phương án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ với tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng. Giai đoạn 1 sẽ nâng cấp đường 4 làn xe, tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng, làm trong 14 tháng, tốc độ 100-120 km/h. Từ tháng 10/2015, nhà đầu tư đã thi công mở rộng thêm 2 làn và dự kiến hoàn thiện vào năm 2018.

    Con số này so với phương án phía Nhật Bản đưa ra đã giảm được 5 năm và tiết kiệm 1.500 tỉ đồng.

    “Thời gian thu phí của tuyến đường này dự kiến là trong 17 năm 1 tháng, nhưng theo tính toán của Bộ GTVT, việc thu phí sẽ ngắn hơn”, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

    Theo Chinhphu.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gtvt-tra-loi-ve-cac-van-de-lien-quan-den-du-an-bot-a114784.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.