(ĐSPL) - Theo kết luận của tổ kiểm tra do Sở Y tế Cà Mau thành lập, đến cuối tháng 9/2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau nợ tổng số tiền trên 90 tỷ đồng.
Theo tin trên báo Tri thức trực tuyến, không chỉ vậy, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau còn bị mất cân đối tài chính 50 tỷ đồng.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau còn nợ Trung tâm Huyết học truyền máu và gần 200 công ty dược gần 54 tỷ đồng; nợ tạm ứng tăng thu nhập, phúc lợi, khen thưởng cho cán bộ, công nhân viên từ năm 2011 đến tháng 9/2016 trên 14 tỷ đồng.
Chứng từ xuất kho bảo hiểm y tế (BHYT) chưa thanh toán của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau là trên 67 tỷ đồng. Trong đó, chứng từ xuất kho thuốc BHYT từ năm 2012 đến năm 2013 chưa thanh toán khoảng 27 tỷ đồng và khó có khả năng thu hồi.
Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Ngoài ra, theo một cán bộ có trách nhiệm thì bệnh viện còn nợ tiền sửa chữa máy CT Scaner 1,7 tỷ đồng; nợ các công ty bảo lãnh dự thầu thuốc, vật tư y tế gần 100 triệu đồng; nợ tạm ứng bảo hiểm xã hội trên hơn 31 tỷ đồng.
Báo Thanh niên cho biết, kết luận cũng nêu, năm 2014, Sở Y tế tỉnh Cà Mau và Công ty CP dịch vụ 200 giường ký hợp đồng BOT. Hai bên thoả thuận việc phân chia lợi nhuận với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau từ nguồn thu dịch vụ giường bệnh y tế. Theo đó, phía công ty được hưởng 90%, bệnh viện được chia 10%. Số tiền thanh toán cho bệnh viện 3 tháng công ty chi trả 1 lần. Thế nhưng đến nay, công ty chưa thanh toán cho bệnh viện một lần nào. Mặc dù, qua kiểm tra từ năm 2014 đến nay, Công ty CP dịch vụ 200 giường lãi trên 4 tỷ đồng.
Theo các cơ quan chức năng, từ ngày ký kết giường dịch vụ, công ty thu của bệnh nhân với số tiền tương đối lớn nhưng không chi trả cho bệnh viện để tạo nguồn thu chi trả nợ và thu vượt của bệnh nhân. Thậm chí lấy tiền của bệnh viện công trả cho nhân viên của Công ty CP dịch vụ 200 giường.
Đối với nguyên tắc tài chính trong việc đấu thầu vật tư y tế, hoá chất chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do đó, năm 2014 đến năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau bị Bảo hiểm xã hội tỉnh từ chối thanh toán số tiền gần 6 tỷ đồng.
Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, trong hai năm 2015 - 2016, toàn tỉnh này có đến 45 bác sĩ thôi việc nhưng Bệnh viện Cà Mau có đến 18 người. Trong những bác sĩ rời bệnh viện có 1 người trình độ chuyên khoa II, 5 bác sĩ chuyên khoa I, còn lại là bác sĩ phục vụ tại các khoa tốt nghiệp đại học ngành y từ 5 - 20 năm.
Giải thích với báo chí, ông Huỳnh Quốc Việt - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho rằng, bác sĩ nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, như chế độ tiền lương Nhà nước thấp hơn các cơ sở y tế ngoài công lập, do áp lực công việc, điều kiện và môi trường làm việc tại các cơ sở y tế công lập chưa thỏa mãn nhu cầu đối với công chức...
"Bệnh viện có đến 18 bác sĩ xin nghỉ việc là điều bất thường. Năm 2016, ngành y tế đã phân công 81 bác sĩ mới tốt nghiệp, 50 cán bộ sau đại học về nhận nhiệm vụ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh" - ông Việt nói.
Theo báo VnExpress, hồi cuối năm 2016, ông Lưu Anh Tài - Giám đốc bệnh viện có đơn xin nghỉ việc. Ngành y tế tỉnh này điều động bác sĩ Bùi Đức Văn, là giám đốc bệnh viện tuyến huyện lên thay.
Về việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện để ra sai phạm về tài chính, nhiều bác sĩ nghỉ việc gây dư luận không tốt, ông Huỳnh Quốc Việt cho rằng Sở đang sắp xếp lại bộ máy nhân sự.
(Tổng hợp)