(ĐSPL) - Các khoản nợ đọng kéo dài qua nhiều năm, nhiều thời kỳ, nhưng chưa được UBND xã Quảng Thái (Thừa Thiên - Huế) thanh toán. Trong đó, có các khoản nợ từ nhà hàng, quán ăn lên tới hàng trăm triệu đồng.
Sau khi tiến hành thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách, UBND huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) đã phát hiện, UBND xã Quảng Thái vướng nợ nần kéo dài nhiều năm.
Theo kết luận thanh tra, thời điểm năm 2010, ngân sách xã Quảng Thái "âm" các khoản phải trả hơn 676 triệu đồng. Đến tháng 9/2015, ngân sách xã tiếp tục nợ một số khoản dùng chi cho hoạt động thường xuyên, nhưng chưa bố trí được nguồn thanh toán trên 505 triệu đồng.
Trong đó, các khoản nợ phát sinh của năm 2012 trở về trước hơn 157 triệu đồng, phát sinh năm 2013 là 50 triệu đồng, năm 2014 thêm hơn 97 triệu đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, xã này phát sinh thêm khoản nợ hơn 199 triệu đồng.
Quảng Thái là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển. |
Đặc biệt, trong các khoản nợ kéo dài mà xã Quảng Thái buộc phải thanh toán, có nhiều khoản phải trả tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn, được kê khai như: quán Mười, Diễm, Bằng, Nga…
Kết luận thanh tra đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến các khoản nợ đọng kéo dài qua nhiều năm, qua nhiều thời kỳ là: Do thực hiện một số nhiệm vụ chi chưa chấp hành dự toán (vượt cao so với dự toán), chi tiếp khách, hội nghị của UBND xã và một số ban ngành, đoàn thể chiếm tỷ trọng lớn trong chi thường xuyên và chưa tiết kiệm trong điều kiện ngân sách xã còn khó khăn, nguồn thu hạn chế.
Qua sự việc này, UBND huyện Quảng Điền đã chỉ đạo chính quyền xã Quảng Thái phải tăng cường tiết kiệm chi, đồng thời đẩy mạnh thu ngân sách, để tạo nguồn giải quyết dần các khoản nợ qua nhiều đời chủ tịch xã.
Được biết, xã Quảng Thái là địa phương đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển với tổng diện tích 1.836 ha và dân số hơn 5.000 người.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2002: “Điều 72. Những hành vi sau đây là những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách: 1. Che dấu nguồn thu, trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; 2. Cho miễn, giảm, nộp chậm các khoản nộp ngân sách và sử dụng nguồn thu trái quy định hoặc không đúng thẩm quyền, 3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tài sản của Nhà nước; 4. Thu sai quy định của pháp luật; 5. Chi sai chế độ, không đúng mục đích, không đúng dự toán ngân sách được giao; 6. Duyệt quyết toán sai quy định của pháp luật; 7. Hạch toán sai chế độ kế toán của Nhà nước và Mục lục ngân sách nhà nước; 8. Tổ chức, cá nhân được phép tự kê khai, tự nộp thuế hoặc đề nghị hoàn thuế mà kê khai sai, nộp sai; 9. Quản lý hóa đơn, chứng từ sai chế độ; mua bán, sửa chữa, làm giả hóa đơn, chứng từ; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; 10. Trì hoãn việc chi ngân sách, quyết toán ngân sách; 11. Các hành vi khác trái với quy định của Luật này và những văn bản pháp luật có liên quan.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
PVMT
[mecloud]CW7gczawen[/mecloud]