+Aa-
    Zalo

    "Bảo vệ ngư dân là bảo vệ chủ quyền biển đảo!"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Chúng ta lên tiếng bảo vệ ngư dân là lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo", ông Nguyễn Khắc Huỳnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Modămbích trao đổi với PV báo ĐS&PL.

    (ĐSPL) - "Chúng ta lên tiếng bảo vệ ngư dân là lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thậm chí, ngư dân sẽ là lực lượng tối quan trọng trong chiến tranh nhân dân trên biển khi tình huống xấu nhất xảy ra”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Khắc Huỳnh – thành viên phái đoàn Việt Nam DCCH tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Paris năm 1973, cựu Đại sứ Việt Nam tại Môdămbích khi trao đổi với PV báo ĐS&PL

    Ông Nguyễn Khắc Huỳnh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Môdămbích

     Âm mưu được tính toán từ lâu của Trung Quốc

    - Bất chấp dư luận và sự lên tiếng mạnh mẽ của các nước trên thế giới, tàu cảnh sát biển Trung Quốc vẫn vô cớ tấn công tàu cá của ngư dân Bình Định. Ông nghĩ sao trước hành động của Trung Quốc?

    - Hiện nay, thế giới quan tâm hơn về vấn đề Biển Đông. Có hai điểm nổi bật: Hội nghị Shangri-La vừa diễn ra tại Singapore cho thấy, các nước đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối những việc làm phi pháp tại Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua. Những hành động ngang ngược, bất chấp đạo lý, pháp lý của Trung Quốc đã bị truyền thông và dư luận lên án rộng khắp. Phải thấy rằng, đây là một mưu đồ xâm lấn lâu dài của Trung Quốc.

    Nói chuyện Trung Quốc có lẽ phải nhìn xa trong suốt chiều dài lịch sử, từ trung, cận đến hiện đại và trải qua tất cả các chế độ chính trị mới có thể hiểu được.  Trong lịch sử, Việt Nam đã kinh qua hàng chục lần đụng đầu với Trung Quốc, phát huy chính nghĩa dân tộc, biết vận dụng cương nhu, lấy yếu thắng mạnh và luôn luôn chiến thắng.

    - Nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành hoạt động cơi nới, xây dựng phi pháp các công trình dân sự và quân sự trá hình tại khu vực quần đảo Trường Sa còn nguy hiểm hơn việc đặt giàn khoan 981 cách đây một năm. Ông nghĩ sao về nhận định này?

    - Như tôi vừa nói, Trung Quốc có chiến lược lâu dài chứ không phải chỉ trong một vài ngày, một vài năm mà đã có kế hoạch từ mấy chục năm trước. Việc xây dựng đảo lần này còn nguy hiểm hơn việc đặt giàn khoan cách đây một năm. Diễn biến của vụ việc trong thời gian qua đã phơi bày tính chất nguy hiểm của nó.

    Có thể thấy rõ đây là một âm mưu được tính toán kỹ càng từ lâu của chính quyền Trung Quốc. Âm mưu ấy nhằm mục đích lâu dài là lấn chiếm Biển Đông, biến vùng biển của Việt Nam thành vùng biển của Trung Quốc.

    - Tại Đối thoại Shangri-La 2015, một trong những vấn đề được nhiều học giả quốc tế quan tâm chính là thái độ của Trung Quốc. Là một nhà ngoại giao, ông đánh giá nước cờ ngoại giao của Trung Quốc lần này như thế nào?

    - Họ biết tại Shangri-La có những ai phản đối họ. Chính vì vậy họ đã tìm cách tránh đi những căng thẳng trực tiếp từ đối thoại này. Đó là những thủ đoạn ngoại giao của Trung Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng ở nơi không cần thiết phải căng thẳng.

    Bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo

    - Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của ông về đối sách ngoại giao của Việt Nam trong tình hình này?

    - Dưới góc độ ngoại giao, theo tôi cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng hai tình thế: Biểu thị bảo vệ chủ quyền và tránh gây ra xung đột vũ lực. Nếu để xảy ra xung đột vũ lực sẽ mắc mưu của Trung Quốc. Nhiều nước lớn đã lên tiếng ủng hộ ta. Chúng ta có tranh thủ được quốc tế ủng hộ nhưng chưa tạo thành một sức ép mãnh liệt đối với Trung Quốc, chưa đủ mạnh để buộc họ phải rút lui. Do đó, chúng ta cần cố gắng tạo thành một mặt trận nhân dân thế giới hùng hậu ủng hộ chính nghĩa của ta.

    - Theo ông, chúng ta cần làm gì để khuyến khích ngư dân bám biển, vừa phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo?

    - Theo quan điểm của tôi, mặt trận tại chỗ của lực lượng kiểm ngư và ngư dân bám biển là vô cùng quan trọng. Đây là một trong những mặt trận đấu tranh chống lại những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng ta cần phát triển mở rộng hơn nữa nghề cá, có những phương thức bảo vệ ngư dân đánh cá.

    Chúng ta lên tiếng bảo vệ ngư dân là lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì ngư dân là lực lượng đông đảo, nghề của họ là bám biển nên là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong công tác quản lý biển, đảo của đất nước. Ngư dân chính là tai mắt và hiện diện dân sự trong hoạt động bảo đảm chủ quyền dân sự trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

    - Trân trọng cảm ơn ông!

    HƯƠNG LAN - ANH ĐỨC

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-ve-ngu-dan-la-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-a97102.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.