Sau khi ăn nhầm bột thông cống, 7 học sinh ở Lào Cai phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng như đau bụng, đau rát họng, nôn ói,...
Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai ngày 18/9 cho biết, mấy ngày trước, đơn vị đã tiếp nhận 7 bệnh nhân là học sinh tiểu học bị ngộ độc do ăn nhầm phải gói hóa chất thông đường cống CTE do tưởng là bột canh.
Bác sỹ bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà chăm sóc bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe do ăn nhầm phải bột thông đường nước cống. Ảnh: báo Dân trí |
Theo đó, vào khoảng 20h ngày 14/9, 7 học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Già, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã chia nhau ăn bột gói thông cống để trong một tủ của nhà trường.
Sau khi ăn xong các em thấy người khó chịu, đau rát họng, buồn nôn, đau bung,...nên cố gắng nôn ra nhưng không khỏi nên đã báo với thầy cô giáo của trường. Ngay sau đó, các học sinh được đưa đến Trung tâm Y tế sơ cứu, và chuyển lên Bệnh viện huyện cấp cứu trong đêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thào Seo Thề, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Già cho biết, có 2 trường hợp bé nhất là học sinh lớp 1 đã nuốt một ít bột vào bụng. Các trường hợp còn lại là học sinh lớp lớn hơn thì chỉ nếm bằng lưỡi rồi cho rằng không ngon và không ăn nữa.
Theo ông Thề, qua quá trình điều trị, sức khỏe các học sinh đã ổn định trở lại. Đến nay, 6 em đã được ra viện; 1 trường hợp vẫn phải tạm ở lại để tiếp tục theo dõi.
Báo Lao Động thông tin thêm, được biết, chất tẩy rửa có 2 nhóm: Nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit, các chất ăn mòn này nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu thậm chí là hoại tử nặng. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
Cách xử lý khi trẻ ăn phải hóa chất này được bác sĩ tư vấn: Khi trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần xử lý ban đầu sớm để tránh tổn thương sâu. Xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng và sâu hơn ở niêm mạc miệng. Sau sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.
(Tổng hợp)