Trên thị trường có nhiều loại thớt với các chất liệu khác nhau như gỗ, nhựa hay kính. Đây là vật dụng không thể thiếu trong nhà bếp của mỗi gia đình, được sử dụng để thái, băm, chặt trong chế biến thực phẩm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bề mặt thớt có thể chứa nhiều vi khuẩn như E.coli, Salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột), nguy cơ lây nhiễm từ thớt sang thức ăn và khi cơ thể hấp thụ sẽ gây bệnh. Do đó, cần phải biết vệ sinh thớt đúng cách để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Dùng chanh và muối
Chanh rất thích hợp để vệ sinh thớt vì tính axit trong chanh giúp khử mùi hiệu quả, đặc biệt là mùi tanh. Bạn cắt chanh làm đôi, nặn nước hoặc chà xát lên thớt rồi rắc muối vào vùng nước chanh. Lưu ý, nên chọn muốt hạt to để thấm nước chanh và ma sát làm sạch thớt. Nếu thớt có về mặt nhẵn thì bạn có thể dùng bột nở thay muối.
Trong quá trình làm sạch, bạn chà xát miếng chanh kèm muối trên bề mặt thớt theo hình tròn, chú ý chà kỹ ở những nơi có vết bẩn, ố. Tiếp đó, rửa lại bằng nước sạch, dùng khăn khô hoặc giấy để thấm hết nước trên bề mặt thớt.
Dùng giấm
Bạn có thể vệ sinh thớt gỗ bằng cách ngâm trong giấm trắng rồi rửa lại với nước và phơi khô hoặc xịt trực tiếp giấm lên thớt rồi hong khô tự nhiên dưới ánh nắng. Giấm có tính tẩy rất mạnh, có khả năng tẩy sạch mùi hôi và làm sạch vi khuẩn cho thớt.
Sử dụng xà phòng
Với cách này, bạn pha loãng xà phòng vào nước nóng, ngâm 1 chiếc khăn trong hỗn hợp, tiếp đó vắt nhẹ rồi lau toàn bộ bề mặt thớt. Lặp đi lặp lại nhiều lần và chà mạnh những vết bẩn, vết ố, rồi rửa kỹ bằng nước sạch.
Sử dụng giấm trắng và baking soda
Nếu muốn làm sạch sâu cho thớt gỗ dùng lâu ngày, bạn có thể sử dụng hỗn hợp giấm trắng và baking soda. Cách làm là phủ một lớp baking soda lên bề mặt thớt, đổ giấm trắng lên trên, rồi dùng miếng bọt biển sạch chà mạnh liên tục trong khoảng 5 phút. Sau đó, bạn rửa lại với nước rồi hong khô tự nhiên.
Một số lưu ý khi sử dụng thớt
- Sử dụng thớt khách nhau cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
- Nên vứt bỏ thớt bị xước nhiều hoặc quá bẩn.
- Cần vệ sinh thường xuyên và khử trùng sạch sẽ khi dùng thớt gỗ.
- Không ngâm thớt gỗ cùng nước vì rất dễ bị nứt, hỏng.
- Vệ sinh thớt sạch sẽ ngay sau khi sử dụng, đặc biệt là sau khi thái thịt, cá.
- Lau khô thớt sau mỗi lần vệ sinh để tránh nấm mốc.
- Không nên phơi thớt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để tránh thớt bị nứt, biến dạng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của thớt.
- Tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sinh sôi, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
- Chỉ nên sử dụng một mặt thớt, không dùng mặt đã tiếp xúc với nền nhà, kệ bếp. Trên thực tế, mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp là nơi rất bẩn. Nếu đặt mặt thớt xuống, vi khuẩn, vi trùng sẽ bám vào.
Đinh Kim(T/h)