+Aa-
    Zalo

    Xúc động trước hình ảnh những cô dâu đặc biệt mặc áo cưới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù đã ở tuổi xế chiều, dù gặp phải những bất hạnh trong cuộc sống, khi khoác lên mình bộ áo cưới trắng tinh trong một đám cưới tập thể đầy náo nhiệt, họ đều nở nụ cười hạ

    Dù đã ở tuổi xế chiều, dù gặp phải những bất hạnh trong cuộc sống, khi khoác lên mình bộ áo cưới trắng tinh trong một đám cưới tập thể đầy náo nhiệt, họ đều nở nụ cười hạnh phúc.

    21 cặp đôi tham gia đám cưới tập thể. Ảnh: Người Lao động

    Ngày 24/11/2019, tại Hà Nội, đã diễn ra đám cưới tập thể với chủ đề ''Hạnh phúc của bạn - Niềm vui của chúng tôi’’ dành cho 21 cặp vợ chồng khiếm thị. Chương trình do Hội người mù Hà Nội tổ chức nhằm động viên các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này được sự phối hợp tổ chức của Hội Người mù TP. Hà Nội và Trung tâm Tiệc cưới Sapphire, hướng tới kỷ niệm 37 năm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12).

    Cặp đôi cao tuổi nhất là vợ chồng ông Nguyễn Thế Vang (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị An (72 tuổi). Ảnh: Tri thức trực tuyến

    Nhiều cặp đôi tham dự đã đăng ký kết hôn 10 năm, thậm chí 20 năm nhưng vẫn chưa có điều kiện để tổ chức đám cưới. Cao tuổi nhất là vợ chồng ông Nguyễn Thế Vang (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị An (72 tuổi). Ông bà đã làm đám cưới năm 1971 trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn. Lúc đó, bà An chỉ mặc áo bà ba còn ông Vang mặc áo sơ mi trắng. Lễ cưới của họ đơn giản khi chỉ mời bạn bè đến ăn kẹo chung vui.

    Sau gần 50 năm, khi đã có con đàn cháu đống, đám cưới của ông bà mới được diễn ra. Bà An cho biết mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc và sung sướng vì không nghĩ đến lúc gần đất xa trời rồi mà lại được mặc váy cô dâu.

    Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Văn Tuấn ở hội người mù Sóc Sơn luôn nở nụ cười trên môi trong ngày kết hôn sau gần 1 năm tìm hiểu. Đám cưới tập thể đã giúp cặp vợ chồng khiếm thị nên duyên trong sự chúc mừng của bạn bè.

    Cặp đôi Hứa Thị Lập và Nguyễn Văn Thắng gây xúc động khi luôn phải dắt nhau đi trong đám cưới. Chị Lập bị khuyết tật vận động từ nhỏ nên phải chống gậy khi di chuyển, còn anh Thắng thì khiếm thị và bị mất một tay.

    Nụ cười hạnh phúc của cô dâu Hứa Thị Lập.

    Đã có 2 con và chuyển về ở chung năm 2016, nhưng do khó khăn, hai người chỉ ra mắt họ hàng chứ chưa từng làm đám cưới.

    Trong khuôn khổ đám cưới, ban tổ chức đã hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại (cho 21 cặp vợ chồng khiếm thị cùng người thân dự cưới), nhẫn và trang phục cưới, tiệc cưới, ảnh cưới cho 21 cặp đôi; đồng thời đã trao tặng 7 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) cho 7 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn nhất.

    Trước đây, ở Việt Nam, đã có nhiều đám cưới tập thể dành cho công nhân nghèo (ở TP.Hồ Chí Minh) và đám cưới tập thể dành cho 65 cô dâu khuyết tật (do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức, ở tháng 6.2019), nhưng đây là lần đầu tiên, một đám cưới dành cho các cặp vợ chồng là người khiếm thị được tổ chức tại Hà Nội.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuc-dong-truoc-hinh-anh-nhung-co-dau-dac-biet-mac-ao-cuoi-a302104.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan