Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX, CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận vừa công bố mua lại 8 lô trái phiếu trước hạn. Tổng giá trị mua lại là 1.669,6 tỷ đồng, giá trị trái phiếu còn lại là hơn 12 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu của Xuân Thiện Ninh Thuận đều được phát hành trong tháng 8/2020 có thời hạn từ 3 – 10 năm. Cho đến thời điểm mua lại, lô trái phiếu còn thời hạn dài nhất là 8 năm.
Đồng thời, CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc cũng chi 1.004 tỷ đồng để mua lại 8 lô trái phiếu trước hạn giống như Xuân Thiện Ninh Thuận.
Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Thuận Bắc là thành viên thuộc Xuân Thiện Group – một doanh nghiệp thành lập năm 2000. Xuân Thiện Group là cơ nghiệp riêng của "đại gia" Nguyễn Văn Thiện – trưởng nam của lão doanh nhân Nguyễn Xuân Thành, nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình.
Thông qua nhiều công ty thành viên, Xuân Thiện Group tập trung đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng và cả xi măng – ngành nghề có tính truyền thống của Xuân Thành.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp thành viên của Xuân Thiện Group cấp tập phát hành trái phiếu để huy động vốn. Cụ thể, 7 doanh nghiệp gồm Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đăk Lăk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Năng lượng Sơn La đã phát hành thành công gần 13.000 tỷ đồng trái phiếu.
Đáng chú ý, trái chủ của các lô trái phiếu do Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Thuận Bắc phát hành chủ yếu do ông Nguyễn Văn Thiện sở hữu. Với việc hai công ty con của Xuân Thiện Group mua lại trái phiếu trước hạn có thể giúp ông Thiện thu về gần 2.000 tỷ đồng.
Xuân Thiện Group của ông Nguyễn Văn Thiện được xem là “ông lớn” trong lĩnh vực điện mặt trời, với các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này có 2 cụm dự án điện mặt trời gồm Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk. Trong đó, nổi bật là cụm điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk với tổng đầu tư 50.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 5 nhà máy từ Ea Súp 1 – 5, công suất 830 MWp, sản lượng 1,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2 gồm 10 nhà máy, công suất 1.936 MWp, sản lượng 3,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 33.500 tỷ đồng.
Cụm dự án Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk giai đoạn 1 với tổng sản lượng 2 tỷ kWh đã đi vào vận hành từ năm 2020, kịp thời hưởng quy chế giá điện ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh và điện mặt trời trên mái nhà là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Đối với Xuân Thiện Đắk Lắk giai đoạn 2, tập đoàn có kế hoạch đưa vào vận hành từ cuối 2021 và đầu năm 2022 nhưng đến nay chưa có thông tin. Được biết, sau khi Quyết định số 13 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 và Chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách mới thì ngành điện mặt trời hầu như không ghi nhận sự tăng trưởng.
Không chỉ tham vọng phát triển trong mảng năng lượng tái tạo, năm 2022, Xuân Thiện Group đã đề xuất thực hiện 2 dự án “khủng” với tổng mức đầu tư khoảng 123.000 tỷ đồng tại Nam Định.
Theo đó, Xuân Thiện Group đề xuất thực hiện dự án cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Dự án này với mục đích phục vụ cho việc phát triển dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định có tổng mức đầu tư 88.000 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 3/2022.
PV