+Aa-
    Zalo

    Xử Huỳnh Thị Huyền Như ngay sau khi kết thúc đại án Phạm Công Danh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo dự kiến, ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 45 đồng phạm, TAND TP.HCM sẽ đưa đại án Huyền Như ra xét xử và kéo dài đến ngày 27 Tết Nguyên đán.

    Theo dự kiến, ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 45 đồng phạm, TAND TP.HCM sẽ đưa đại án Huyền Như ra xét xử và kéo dài đến ngày 27 Tết Nguyên đán.

    Ngày 19/1, nguồn tin từ TAND TP.HCM, cấp tòa này sẽ đưa 2 bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM; gọi tắt là Vietinbank TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM; gọi tắt là Vietinbank Nhà Bè) ra xét xử vào ngày 8/2 tới (ngay sau khi phiên xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm kết thúc). Phiên xử sẽ kéo dài tới ngày 12/2 (tức 27 Tết Nguyên đán).

    Trước đó, TAND TP.HCM dự kiến đưa vụ án này ra xét xử vào ngày 2/1 và kéo dài trong 4 ngày. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt (Phó Chánh tòa Hình sự TP.HCM). Tuy nhiên, trước ngày xét xử 1 ngày, cấp tòa này quyết định hoãn xử mà không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào.

    Trong vụ án này, có 5 công ty được xác định là nguyên đơn dân sự, với tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Có 18 cá nhân, tổ chức được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của vụ án.

    Hồ sơ điều tra - Xử Huỳnh Thị Huyền Như ngay sau khi kết thúc đại án Phạm Công Danh

    Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

    Cáo trạng cáo buộc các bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

    Theo cáo trạng, từ ngày 1/9/2001 đến 24/6/2010, Như là cán bộ của Vietinbank TP.HCM. Đến ngày 25/6/2010, Như được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, chi nhánh TP.HCM.

    Để tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang, từ năm 2007, Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao. Thế nhưng, việc kinh doanh của Như thua lỗ.

    Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, để tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank TP.HCM, trực tiếp thỏa thuận với nhiều cá nhân, tổ chức tham gia gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định của Nhà nước.

    Cụ thể, Như gặp đại diện của 5 công ty gồm: công ty TMCP Đầu tư Hưng Yên (công ty Hưng Yên); công ty CP ĐT và TM An Lộc (công ty An Lộc), tổng công ty CP Bảo hiểm toàn cầu (công ty Bảo hiểm toàn cầu); công ty CP Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS) và công ty Chứng khoán Phương Đông (công ty Phương Đông) thỏa thuận nhận tiền gửi của các đơn vị này, hứa trả lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần của Nhà nước quy định (14%/năm).

    Để các đơn vị yên tâm gửi tiền, khi thỏa thuận, Như hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới (lãi suất theo quy định của Vietinbank trả, còn tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới do Như trả bằng tiền cá nhân). Như đã lợi dụng các cá nhân, đơn vị gửi tiền vào Vietinbank muốn nhận lãi suất cao để thỏa thuận trái pháp luật, dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào Vietinbank.

    Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để trực tiếp thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ các cá nhân mà Như vay nợ.

    Bằng thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Như đã chiếm đoạt tổng cộng 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nêu trên. Trong đó, công ty Hưng Yên bị Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng; chiếm đoạt của công ty An Lộc 170 tỷ đồng; 380 tỷ đồng của công ty Phương Đông; hơn 124 tỷ đồng của công ty Bảo hiểm toàn cầu và gần 210 tỷ đồng của công ty SBBS.

    Liên quan đến giai đoạn 2 của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, có 10 bị cáo khác nguyên là cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) cũng “nhúng chàm” do có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng được tách ra ở một vụ án mới.

    Ở giai đoạn 1 của “đại án” này, Như bị cáo buộc đã chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Hai cấp tòa là TAND TP.HCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM đều tuyên Như tổng mức án là chung thân về 2 tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm 46/2014/HSST ngày 27/1/2014 của TAND TP.HCM xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, để điều tra làm rõ có hay không Như phạm một tội danh khác là tham ô tài sản. Đồng thời, làm rõ vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM) trong việc giúp Như chiếm đoạt số tiền hơn 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nêu trên.

    Tuy nhiên, kết qủa điều tra lại đã xác định, hành vi của Như và Tuấn chỉ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Công Thư

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-huynh-thi-huyen-nhu-ngay-sau-khi-ket-thuc-dai-an-pham-cong-danh-a217005.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan