Được biết, sự việc xảy ra tại một trường trung học cơ sở ở khu Vĩnh Niên, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
Theo điều tra ban đầu, nam sinh họ Triệu có mâu thuẫn với hai bạn nam cùng lớp là Lưu và Hách.
Khi thấy Triệu đang đi một mình, Lưu và Hách cùng nhau khống chế, lấy nước sôi đã chuẩn bị trước đổ vào miệng bạn mình và bặt cậu uống. Hành động đó khiến vùng miệng, môi nạn nhân bị phồng rộp nghiêm trọng, vùng mặt và ngực bị bỏng nhiều chỗ.
Đến khi vụ việc được thầy giáo phát hiện, Triệu mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi được điều trị hơn một tuần, Triệu bình phục dần và được xuất viện, về nhà tiếp tục hồi phục, theo dõi.
Vụ việc gây xôn xao dư luận, cảnh sát địa phương tuyên bố mở cuộc điều tra, hứa sẽ xử lý nghiêm. Nhà trường cũng tăng cường giáo dục các học sinh liên quan để ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn.
Trên mạng xã hội, vụ việc được bàn luận rất nhiều với nỗi lo ngại về tình trạng bạo lực trong trường học. Đa số mọi người phẫn nộ với hành vi bắt nạt bạn đầy tình côn đồ của hai nam sinh họ Lưu và họ Hách, yêu cầu phải xử lý nghiêm để răn đe. Nhiều cư dân mạng đòi hỏi có chế tài mới xử phạt nghiêm khắc những thanh thiếu niên có hành vi bạo lực học đường, đồng thời đặt vấn đề về vai trò của các giáo viên, của trường học trong những vụ việc tương tự.
Câu chuyện về bạo lực học đường không hiếm ở đất nước tỷ dân, trước đó một trường trung học cơ sở ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc xác nhận học sinh của trường đã ép một nam sinh khác ăn phân trong nhà vệ sinh.
Vụ việc trở thành một trong những chủ đề hot nhất trên mạng xã hội Trung Quốc. Phẫn nộ trước hành vi bắt nạt kinh hoàng này, cư dân mạng bày tỏ sự lên án mạnh mẽ vụ việc và yêu cầu cảnh sát nhanh chóng điều tra để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
"Điều này chắc chắn đã để lại vết sẹo suốt đời cho cậu bé và kẻ gây ra điều này còn tệ hơn cả động vật”, một cư dân mạng viết trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo.
Một người khác viết: “Việc bắt nạt học đường cần được xử lý nghiêm túc và nhanh chóng hơn, những kẻ bắt nạt phải bị xử lý”.
Một nghiên cứu tại Đại học Sư phạm ở thành phố Vũ Hán cho hay, khoảng 1/3 trong 10.000 học sinh tại 6 tỉnh ở Trung Quốc từng bị bạo hành ở trường. Trong số này, 45% nạn nhân chọn cách “giữ im lặng”.
Ngoài ra, khoảng 25% học sinh tham gia nghiên cứu trong độ tuổi từ 6 – 18 cho biết, họ sẽ nói chuyện bị bắt nạt cho thầy cô hoặc bố mẹ.
“Tỷ lệ này là thấp hơn nhiều so với những nghiên cứu trước đây, nhưng vẫn còn cao hơn so với chúng tôi dự đoán”, ông Fu Weidong, Phó Giáo sư tại Đại học Sư phạm ở Vũ Hán nhấn mạnh.
Kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy, tình trạng bắt nạt học đường ở Trung Quốc xảy ra tương tự như nhiều nước trên thế giới. Bởi số liệu của Unicef cho hay tính trên toàn cầu, khoảng 1/3 học sinh từ 13 – 15 tuổi từng là nạn nhân của tình trạng bắt nạt học đường.
Giống như nhiều nước, luật pháp Trung Quốc chưa có hình thức xử phạt cụ thể đối với thủ phạm bắt nạt ở trường học. Nhưng các quan chức Trung Quốc khẳng định sẽ xử phạt đối với những trường hợp khiến nạn nhân gặp thương tích nặng hoặc tử vong.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường thường xảy ra ở lứa tuổi dưới 14 vốn là độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự ở Trung Quốc. Song trong một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trẻ trên 12 tuổi đã có thể bị khởi tố.
“Bạo lực” học được được hiểu liên quan tới hành vi bạo hành thể chất, bạo hành bằng lời nói và bạo hành mạng cùng bạo hành xã hội nhằm cô lập nạn nhân.
T.D (T/h)