Dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân mất việc. Không còn đường mưu sinh, họ buộc phải về quê sinh sống. Hai tháng gần đây, nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh rơi vào cảnh điêu đứng vì không có công nhân thuê.
Một dãy trọ tại khu công nghiệp Tiên Sơn (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). |
Lượng phòng bị trả tăng dần
Giữa tháng Bảy trời nắng nóng, chúng tôi có dịp rảo quanh nhiều khu nhà trọ tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh - nơi ở của hàng vạn công nhân các tỉnh, thành tụ về để kiếm việc làm. Khác xa hình ảnh đông đúc trước kia, có dãy trọ thưa thớt bóng người, có nơi đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm.
Cầm trên tay cuốn sổ ghi chép theo dõi hàng tháng, bà Đỗ Thị Hoan (58 tuổi, trú huyện Yên Phong) ngồi trước cửa kiểm kê lại doanh thu tiền nhà trọ tháng Sáu. “Lại bị trả thêm 5 phòng rồi”, bà Hoan lẩm bẩm.
Nhà trọ của bà có 5 tầng, với 45 phòng nằm sâu trong một con ngõ tại khu công nghiệp Yên Phong được xây dựng từ hơn 6 năm trước. “Trước dịch Covid-19, phòng trọ lúc nào cũng kín. Lâu lâu mới có người trả phòng do lấy chồng, hoặc lấy vợ, chuyển sang nơi khác ở. Khu này nhà trọ của tôi là đẹp đẽ, khang trang rồi. Giá thuê cũng dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Thế nhưng, hồi tháng Tư, có 3 nhóm công nhân xin trả phòng về quê; tháng Năm cũng có 2 phòng, còn tháng Sáu vừa kiểm lại thì bị trả lại 5 phòng. Hôm vừa rồi, đến thu tiền nhà trọ tháng Sáu thì lại thêm 1 người xin trả. Có cả lao động chính thức lẫn thời vụ, ai cũng than lương thấp hoặc bị công ty cắt việc”, bà Hoan rầu rĩ nói.
Công nhân mất việc làm khiến những người làm nghề cho thuê trọ cũng điêu đứng theo. Trường hợp ở dãy trọ của bà Hoan không phải ngoại lệ, khi hiện nay không ít xóm trọ công nhân ở các khu công nghiệp Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du hay Thuận Thành cũng ngày càng vơi dần đi.
Anh Nguyễn Tuấn (37 tuổi - chủ dãy nhà trọ tại khu công nghiệp Đại Đồng, huyện Tiên Du) chỉ tay vào tấm biển có ghi “Còn phòng trọ cho thuê” mới được anh treo trước cửa tuần trước, vẻ mặt chán chường, anh nói: “Đợt này công nhân về quê nhiều, toàn dân tỉnh đến khu công nghiệp làm, trình độ lao động thấp nên đợt vừa rồi mấy công ty cắt giảm ghê lắm. Dịch Covid-19, mấy đứa qua phòng xin giảm tiền nhà. Tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ giảm 3 tháng, mỗi tháng 200.000 đồng. Giá phòng còn 600.000 nghìn đồng, rất rẻ nhưng rồi phòng cũng bị trống dần, công nhân bỏ về quê hết, chẳng có ai hỏi thuê. Gần một tháng nay, có dãy trọ 16 phòng nhưng hơn nửa là trống”.
Giữ phòng cho công nhân xin về quê 1 tháng, anh Cường - chủ trọ tại khu công nghiệp Quế Võ 1, nhận được cuộc điện thoại báo trả phòng vì công nhân xác định ở quê. “Nó bảo anh cho thuê phòng đi, đừng giữ nữa, em không lên nữa đâu”, anh Cường nhìn vào mấy căn phòng trống đã hơn tháng không ai thuê, nói.
Nóng ruột khi vay lãi ngân hàng xây phòng trọ
Để có tiền xây dựng những dãy trọ khang trang, kiên cố, rất nhiều người dân đã đi vay ngân hàng một khoản tiền lớn. Vốn là vùng đất có nền nông nghiệp phát triển, nay chuyển qua kinh doanh, nên hầu như hộ kinh doanh nào cũng cần đến vốn đầu tư từ ngân hàng, ít thì cũng 200 trăm triệu đồng. Với mức cho thuê phòng dao động từ 800.000đồng đến 1.000.000 đồng, thì để hoàn được vốn, cũng phải mất vài năm nếu kinh doanh khấm khá.
Từ sau Tết Nguyên đán, công nhân về quê nhiều hoặc chuyển việc hay nghỉ việc do dịch, phòng trọ vì thế cũng luôn trong trạng thái trống. Tiền lãi ngân hàng vẫn phải đóng, nhưng người thuê nhà thì không có, hơn nữa, để có người thuê, chủ trọ thường phải giảm tiền phòng, chủ nhà rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”.
Được con trai lớn góp 50 triệu đồng, bà Trần Thị Hạnh (76 tuổi – chủ nhà trọ tại khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du) đang vay ngân hàng một khoản tiền để xây một khu nhà trọ giá rẻ cho công nhân thuê. Căn nhà trọ bà xây để cho thuê bên cạnh nhà để ở, có 25 phòng, mỗi phòng 15m2, khép kín, giá 800.000 đồng/tháng chưa kể điện nước. Bà tính sẽ ổn định vì công nhân lúc nào cũng có người đến thuê, người này đi thì có người khác đến, khoảng 3 năm sẽ thu hồi vốn.
“Không nghĩ dịch Covid-19 phức tạp như thế. Hiện chỉ có 17 phòng cho thuê được, 8 phòng còn khép cửa để đấy. Nợ ngân hàng chưa trả được, lãi tháng nào cũng phải đóng. Bây giờ thấy nóng ruột, chỉ biết chờ công nhân quay lại làm việc thì mình mới kiếm được tiền”, bà Hạnh nói.
Các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh là nơi tập trung làm việc của rất đông công nhân lao động xuất thân từ nông thôn. Dù đã rất nỗ lực nhưng hầu hết điều kiện các khu trọ này đều ở mức thấp. Công nhân lao động chấp nhận ở trong những căn phòng 10 – 20m2 gồm cả giường, bếp, tủ... Những công nhân có điều kiện thì góp chung trang bị điều hòa, tủ lạnh mini, tivi.
Trong căn phòng rộng 17m2 là nơi sinh hoạt của 4 người, chị Nguyễn Thị Mai (23 tuổi) tranh thủ giặt giũ rồi trông hai con nhỏ. “Hai vợ chồng từ Lạng Sơn xuống thuê trọ đã được gần 2 năm, mình không đi làm, ở nhà trông con. Đợt dịch, công ty chồng cắt giảm nhân sự nhưng chồng mình may mắn không nằm trong diện đó. Tiền phòng chưa tính điện, nước đã lên đến 1 triệu đồng rồi, nên chi tiêu gì cũng phải tính toán tiết kiệm”, chị Mai cho hay.
Trải qua 2 tháng thất nghiệp vì bị công ty cho nghỉ việc, anh Nguyễn Văn Định (24 tuổi, quê Thanh Hóa) nói đầy ám ảnh bởi cuộc sống chật vật những tháng qua, ngay cả khi mọi thứ bình thường, cuộc sống vẫn cứ bị xáo trộn. Hai tháng mất việc, cũng là 2 tháng anh xin khất tiền phòng. May mà chủ trọ tốt tính, chưa đuổi.
“Mình mới xin lại việc được gần 3 tuần. Mình không về quê, quyết định bám trụ tìm việc. Làm công nhân thì ai sướng đâu, làm ở đâu cũng vậy. Mong mấy tháng tới có tiền lương, đỡ vất vả hơn”, anh Định nói.
Theo thống kê của liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, tại tỉnh này có hơn 1.100 công ty đang hoạt động, thu hút 300.000 công nhân làm việc trong 10 khu công nghiệp tập trung; 74% lao động đến từ 18 tỉnh thành. Đại dịch khiến hơn 50.000 công nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, 5.000 lao động các khu công nghiệp phải nghỉ việc không lương, hàng nghìn người thôi việc do doanh nghiệp ngừng hoạt động, thời gian làm việc ít, thu nhập thấp. |
THU HUYỀN - NGUYỄN THẢO
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số thứ Bảy (31)