(ĐSPL) – Trong vụ xe khách giường nằm của nhà xe Sao Việt bị trơi xuống vực ở Lào Cai hôm 1/9, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, trách nhiệm chính trong chuyện này thuộc về doanh nghiệp Sao Việt.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai. |
Trong cuộc họp báo Thành ủy chiều nay (30/9), một lần nữa, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định rằng, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong vụ xe khách giường nằm của nhà xe Sao Việt gặp tai nạn thảm khốc ở Lào Cai chính là doanh nghiệp Sao Việt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong vụ tai nạn trên, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh rằng, xe Sao Việt bị tai nạn không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GTVT Hà Nội, và công ty Sao Việt trên địa bàn Hà Nội chỉ là một chi nhánh, còn công ty chính nằm ở Lào Cai.
Ông Nguyễn Hoàng Linh. |
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe khách giường nằm hãng Sao Việt bị tai nạn ở Lào Cai vào ngày 1/9 vừa qua là xe mà Công ty Sao Việt đăng ký để giải tỏa khách dịp lễ, tết và 2/9 chứ không phải là xe nằm trong danh mục xe được Sở GTVT Hà Nội quản lý.
“Khi xảy ra tai nạn, chúng tôi tiến hành kiểm tra xe này thì toàn bộ giấy tờ cũng như công tác quản lý đều thuộc Sở GTVT Lào Cai và được Sở GTVT Lào Cai chấp thuận cho xe này chạy tuyến Lào Cai – Thanh Hóa, và khi cần tăng cường thì đơn vị này điều xe chạy từ tuyến Lào Cai – Thanh Hóa sang để tăng cường” – ông Nguyễn Hoàng Linh thông tin.
Theo ông Linh, trong quy định của Bộ GTVT tại Thông tư 18 có quy định là các xe tăng cường là xe có thể dùng cả xe bus, đơn vị, doanh nghiệp có xe nào, ở đâu thì đều có thể dùng các xe đó để tăng cường.
“Về ý kiến cho rằng Sở GTVT là cơ quan cấp phù hiệu cho xe này thì phải chịu trách nhiệm, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, phù hiệu ở đây là phù hiệu xe tăng cường, và theo quy định của thông tư 18 thì phù hiệu xe tăng cường chỉ có thời hạn từ 10 ngày đến không quá 30 ngày trong dịp Tết nguyên đán. Phù hiệu này được Sở GTVT cấp trong một chuyến xe, và chuyến xe này sẽ căn cứ vào lệnh của tuyến xe, cho phép xe này chạy từ tuyến Mỹ Đình đến Lào Cai trong ngày 1/9 và không được phép chạy lên Sa Pa, cho nên việc xe này chạy lên Sa Pa và quay trở về thì trách nhiệm chính ở đây thuộc về quản lý của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã không quản lý được xe này và để xe này chạy lên Sa Pa” – ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết thêm đơn vị này cấp phù hiệu tăng cường cho xe Sao Việt từ ngày 30/8 và đã thực hiện xong lệnh tăng cường đó nhưng ngày 1/9 chiếc xe Sao Việt này lại quay từ Sa Pa trở về nên rõ ràng trách nhiệm thuộc sự quản lý của doanh nghiệp.
“Ngoài ra, theo quy định thì giám sát hành chính là của doanh nghiệp, riêng trên địa bàn thành phố chúng tôi có gần 1 vạn xe liên tỉnh nên theo quy định của Chính phủ thì việc giám sát thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và Tổng cục đường bộ. Tổng cục đường bộ chỉ tổng hợp thông tin chứ không thể theo dõi từng ngày xe chạy đến đâu cả” – ông Linh nhấn mạnh.
Về những ý kiến tranh cãi xung quanh việc có nên cấm hay không xe giường nằm chạy đường núi, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Tổng cục đường bộ Việt Nam ra các quy định cụ thể đối với xe giường nằm.
“Theo số liệu mà chúng tôi được biết thì trên toàn quốc hiện này có hơn 4.000 xe giường nằm, trong đó có 60\% là xe hoán cải, 40\% là xe nhạp khẩu. Tuy nhiên, những xe hoán cải này đều được Cục đăng kiểm, Bộ GTVT quy định tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra thì Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm đề ra các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo hơn đối với xe giường nằm, trong đó có việc quy định các khoang chở hàng, quy định chiều cao của xe, quy định số lượng xe và trọng tâm của xe như thế nào…” – ông Linh cho biết.
Cũng theo ông Linh, thì sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải quy định đường nào thì xe giường nằm được phép hoạt động.
“Theo dự kiến thì đường cấp 5, cấp 6 miền núi sẽ không cho xe giường nằm hoạt động và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ không được sử dụng xe giường nằm với lý do xe hợp đồng là không thuộc đường, bởi đối với xe hợp đồng thì nay hợp đồng đường này, mai hợp đồng đường kia nên lái xe thường không thuộc đường, mà đã không thuộc đường thì khi lái xe giường nằm rất nguy hiểm. Sắp tới, Cục đăng kiểm sẽ ra các tiêu chí cụ thể hơn đối với loại hình kinh doanh xe giường nằm này” – Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.