Có mối quan hệ thân tình với phụ huynh
Mới đây, tại buổi giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc sở GD&ĐT Bình Thuận cho biết công an đã tìm ra người làm lộ đề kiểm tra môn Ngữ văn, học kỳ 2 vừa qua. Theo ông Phan Đoàn Thái, ngay sau khi phát hiện lộ đề môn Ngữ văn, sở GD&ĐT Bình Thuận đã kiểm tra các công đoạn ra đề và giao đề cho các trường. Sau đó, Sở đã đề nghị Công an tỉnh Bình Thuận điều tra làm rõ vụ việc.
Theo đó, người làm lộ đề là một Phó trưởng phòng của sở GD&ĐT Bình Thuận. Vị lãnh đạo này còn giữ vai trò là cán bộ chủ chốt công đoàn của cơ quan Sở. Cũng theo ông Thái, vị cán bộ này có quen biết và chơi thân với một phụ huynh có con học lớp 12. Do nể tình bạn bè nên vị này đã lấy đề kiểm tra môn Ngữ văn đưa cho con bạn xem trước. Sau đó em học trò này đã đưa lên mạng và bị lộ. Ông Phan Đoàn Thái thông tin, công an khẳng định “không có biểu hiện tư lợi tiền bạc trong vụ lộ đề này”.
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc sở GD&ĐT Bình Thuận phát biểu tại buổi giao ban. |
Khi được hỏi về danh tính của người làm lộ đề thi, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện Sở chưa tổ chức họp kỷ luật cán bộ này do một số thành viên của hội đồng kỷ luật bận công tác. Dự kiến đầu tháng Sáu tới đây, khi Hội đồng kỷ luật của Sở họp để đưa ra mức xử lý đối với vị cán bộ này sẽ thông tin cụ thể với báo chí.
Trước đó,vào ngày 3/4, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc sở GDĐT Bình Thuận xác nhận học sinh THPT toàn tỉnh phải tạm hoãn thi môn Ngữ văn trong kỳ thi kiểm tra học kỳ 2 lớp 12 vì lộ đề thi. Theo ông Thái, 8h sáng ngày 3/4, khi giám thị chuẩn bị phát đề thì phát hiện rất giống với nội dung một đề thi lan truyền trên mạng xã hội vào đêm 2/4. Lập tức thông tin được gửi về sở GD&ĐT. Qua kiểm tra đã phát hiện giống cả 6 câu trong đề thi chính thức và đề thi trên mạng xã hội. Ngay lập tức sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận đã thông báo đến 28 trường THPT trên toàn tỉnh dừng kiểm tra bộ môn này.
Quy trình quản lý đề thi “có vấn đề”
Việc những người có trọng trách để lộ đề thi gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc ở Bình Thuận không phải lần đầu. Vào kỳ thi kết thúc học kỳ 1 năm học vừa qua (2018-2019), hàng trăm học sinh của trường THPT Phú Quốc (Kiên Giang) phải thi lại vì bị lộ đề thi được lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. Theo đó, thầy giáo Trần Văn Mạnh (giáo viên dạy Toán của trường) đã làm lộ đề thi học kỳ môn Toán lớp 11 cho một nhóm học sinh do thầy này ôn tập. Sau đó một trong số học sinh này đã phát tán đề thi lên mạng xã hội.
Xác định có dấu hiệu lộ đề thi, trường THPT Phú Quốc đã tổ chức cho học sinh khối 11 thi lại môn Toán từ đề thi dự phòng. Tại Đồng Tháp, vào năm 2017, khi học sinh khối 11 của tỉnh chuẩn bị bước vào thi học kỳ 2 môn Toán và môn Sử, đề thi chính thức hai môn này đã lan truyền trên mạng xã hội. Sau đó, thầy giáo làm lộ đề thi đã bị đuổi việc. Tại Khánh Hòa cũng đã từng xảy ra việc lộ đề kiểm tra học kỳ 1 lớp 12. Một giáo viên đã làm việc này khiến tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn phải thi lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của thí sinh, niềm tin của phụ huynh. Tại Hà Nội, vào giữa năm 2018 cũng xảy ra sự cố lọt đề thi trong kỳ thi vào lớp 10, khiến hàng nghìn thí sinh trên địa bàn Thủ đô lo lắng.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, những sự cố làm lộ đề thi xảy ra thời gian qua đã làm xáo trộn tâm lý thí sinh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh. Sự cố này cũng cho thấy quy trình bảo mật đề thi ở các địa phương “đang có vấn đề”, có lỗ hổng nguy hiểm.
“Đề thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học... đều thuộc danh mục bí mật Nhà nước và tối mật trong ngành giáo dục đào tạo. Vì thế, từ việc ra đề, bảo quản phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt, giáo viên làm lộ đề thi là vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, có thể bị xử lý hình sự”- PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định. Ông cho rằng, lãnh đạo nhà trường, phòng, sở giáo dục cần xem lại công tác tập huấn, bảo mật thi ở địa phương mình.