Mới đây, đề thi tuyển sinh 10 môn Văn tại THPT Chuyên Thái Bình khiến cộng đồng mạng tranh cãi kịch liệt vì một câu hỏi tiếng Việt.
Câu hỏi tiếng Việt về biện pháp nhân hóa ở đề thi tuyển sinh 10 môn Văn tại THPT Chuyên Thái Bình gây xôn xao cộng đồng mạng vì nhiều luồng ý kiến.
Cụ thể, câu hỏi số 4 ở đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn THPT chuyên Thái Bình yêu cầu thí sinh: "Nêu và phân tích tác dụng của biện pháp nhân hóa trong hai câu thơ: "Trời xanh càng rộng càng cao/Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”.
Đề thi tuyển sinh vào THPT chuyên Thái Bình có câu hỏi tiếng Việt gây tranh cãi. Ảnh: Infornet |
Đáp án của Sở GD&ĐT Thái Bình ghi rõ: Biện pháp tu từ nhân hóa "Đôi con diều sáo lộn nhào từng không". Tác dụng làm cho hình ảnh chiếc diều sáo trở nên sinh động, gần gũi, đáng yêu, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ.
Sau khi đọc câu hỏi, một số người đồng tình với đáp án của Sở GD&ĐT Thái Bình, câu thơ "đôi con diều sáo lộn nhào tầng không" có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, đề thi chưa thỏa đáng, câu thơ không hề có sự xuất hiện của biện pháp nhân hóa mà đề lại yêu cầu phân tích.
Hiện, đề thi này đang thu hút sự quan tâm không nhỏ, trở thành đề tài tranh luận của cộng đồng mạng, kể cả giáo viên giảng dạy Ngữ văn cũng có ý kiến trái chiều.
Trước đó, bài rap "Con trai cưng" nói về thói hư tật xấu của giới trẻ Việt được Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) đưa vào đề kiểm tra Văn lớp 10 cũng gây ra những tranh cãi không nhỏ.
Theo đó, Ngữ liệu phần Đọc hiểu trích một đoạn trong bài rap "Con trai cưng" như sau:
"Con trai cưng của mẹ
Bạn bè gọi có mặt, riêng ba mẹ nói là nó không nghe
Con trai cưng của mẹ, chơi hết đời tuổi trẻ
Hơn hai mươi tuổi đầu nhưng khi ở nhà vẫn là em bé.
Vì nó là, con trai cưng của mẹ nó
Con trai cưng của mẹ nó.
Con trai cưng của mẹ nó.
Ở ngoài kia phong bão tố về nhà luôn có mẹ chở mẹ che,
Con trai không bao giờ nhớ mẹ,
Con trai không tâm sự với cha,
Con trai chưa bao giờ phải khóc,
Trừ khi mẫu giày nó thích vừa mới ra...
Gọi nó là con trai, con trai cưng, chưa từng tự mình đứng vững hai chân...
Thích làm đầu gấu, rất là tự hào nắm đấm có màu máu,
Rồi ai sẽ phải xin lỗi từng nhà, coi mấy thằng bạn mày nó có đứng ra,
...
Đủ lớn để làm, thì đủ lớn để chịu, mày đủ lớn để học, mày đủ lớn để hiểu,
Đủ sức chìa tay ra xin tiền,
Thì phải đủ tự trọng không dùng tiền đó mua sĩ diện.
Hãy để tâm hồn là thánh đường, đừng biến nó thành sở thú,
Để bao nhiêu bạn bè, hay bao nhiêu vật chất, thì cuộc đời cũng không bao giờ đủ".
(Trích lời bài rap “Con trai cưng” – Bray, Masew)
Từ ngữ liệu, đề yêu cầu học sinh trả lời một số câu hỏi như: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên; theo văn bản, những thói hư tật xấu của giới trẻ hiện nay là gì?; trong câu “Hãy để tâm hồn là thánh đường, đừng biến nó thành sở thú”, tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì? nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng; viết một đoạn văn (khoảng 7 -10 dòng) trình bày suy nghĩ của bản thân về việc làm thế nào trở thành “con cưng” thật sự.
Đề thi gây ra làn sóng tranh cãi trái chiều về phần ngữ liệu. Một bên cho rằng đề thi gần gũi với học sinh, giúp giới trẻ nhận thức được hiện tượng thói hư tật xấu của những "con cưng", từ đó họ sẽ điều chỉnh về thái độ sống. Bên phản đối thì cho rằng đề thi sử dụng ngữ liệu thiếu tính thẩm mỹ, thiếu gọt dũa và chạy theo phong trào.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện tổ Ngữ văn, Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) cho biết, khi giáo dục học sinh qua những vấn đề các em đang quan tâm sẽ rất hiệu quả. Đặc biệt, trong bài đã nêu lên thực tế hiện nay một bộ phận giới trẻ được cưng chiều, đua đòi, ăn chơi. Các em không thấy được vai trò quan trọng của gia đình, vì thế thờ ơ, vô tâm với những đấng sinh thành.
Bạch Hiền (t/h)