(ĐSPL) - Những người có đất rừng thì không được khai thác dù cây đã đủ tuổi, còn những người không có đất, phải đi chặt cây thuê nhưng cũng bị ngăn cản. Một mong ước nhỏ của người dân xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là được trả lại đất sản xuất. Thế nhưng, đã hơn chục năm nay, điều đó vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Đã hơn 10 năm nay, người dân sống thiếu đất sản xuất ngay cạnh những cánh rừng bạt ngàn màu mỡ là thực trạng đang diễn ra tại xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Theo đó, năm 1993, khi triển khai dự án trồng rừng 327, bà con xóm Hợp Thành đã góp 99,3ha đất khai hoang cùng tham gia dự án. Theo hợp đồng, người dân sẽ được hưởng 2/3 sản phẩm và lâm trường hưởng 1/3 sản phẩm. Tuy nhiên, đến năm 2004, lâm trường chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và đơn phương thu hoạch.
Số gỗ đến tuổi đang khai thác dở nhưng bị lâm trường cấm đã hư hỏng toàn bộ. |
Trước sự việc này, người dân đã làm đơn kiện đòi lại đất 327. Ngày 10/10/2007, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 456 chỉ đạo Lâm trường Đồng Hợp trả lại 83,1ha đất cho huyện Quỳ Hợp, để chính quyền bàn giao lại cho người dân. Trong đó, theo dự kiến người dân Hợp Thành sẽ nhận lại 37ha đất. Tuy nhiên, theo bà con, đến nay, số diện tích trên vẫn chưa được lâm trường bàn giao trên thực địa.
Anh Lê Văn Hùng (SN 1970, xóm phó xóm Hợp Thành) cho biết: “Nóiđúng ra lâm trường có họp dân và tiến hành trao trả đất. Thế nhưng, trên thực tế đất lâm trường trả không phải đất dự án 327. Và diện tích đất được trả còn thiếu rất nhiều so với thực tế, chỉ có 6,3ha, như vậy còn thiếu 31ha nữa. Ngoài ra, lâm trường còn rất "chống chế" trong việc trả đất khi gộp đất ở vào đất sản xuất cần phải trả".
Trái với kiến nghị của các hộ dân xóm Hợp Thành, đại diện Lâm trường Đồng Hợp cho biết, toàn bộ diện tích đất dự án 327 mà xóm Hợp Thành sản xuất thuộc đất 01 của lâm trường. Còn diện tích 83,1ha mà UBND tỉnh đã thu hồi, lâm trường đã bàn giao trực tiếp cho người dân vào ngày 17/1/2007, với sự có mặt đầy đủ của các bên liên quan.
Ông Đặng Văn Tiến, Chủ tịch Công Đoàn kiêm kế toán trưởng Lâm trường Đồng Hợp, cho biết: “Sau dự án trồng rừng 327, lâm trường đã trả hết đất cho dân, gồm cả đất ở và đất sản xuất. Sau đó, lâm trường còn ký hợp đồng để đảm bảo sản xuất với người dân, thời hạn giao đất là 20 năm, tất cả các hộ đều đã ký nhận và có hợp đồng rõ ràng”.
Ông Đặng Văn Tiến, Chủ tịch Công Đoàn kiêm kế toán trưởng, làm việc với PV. |
Theo đó, thực hiện kế hoạch đầu tư, trồng mới rừng nguyên liệu của công ty, Lâm trường Đồng Hợp đã cùng người dân ký các hợp đồng khoán nhận đất, sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Thế nhưng, hai hộ gia đình là ông Nguyễn Tất Hải và anh Lê Văn Hùng không đồng ý. Lý do 2 gia đình này đưa ra là vì đây là đất do mình làm chủ, do chính tay khai phá nên lâm trường không có quyền “giao”.
Ông Nguyễn Tất Hải, người dân địa phương, uất ức kể: “Năm 1990, gia đình tôi đã tới định cư ở vùng đất này cho đến bây giờ. Chúng tôi đã dùng chính sức của mình để khai hoang sản xuất và sinh sống. Năm 1998, tôi làm bìa đỏ quyền sử dụng đất trên diện tích đã khai hoang và liên tục sau đó sử dụng cho đến bây giờ. Thế mà lâm trường lại ngang nhiên lấy đất của gia đình tôi”.
Ông Hải cho biết thêm: “Trong khi mọi việc còn chưa có kết luận thì tôi vẫn tiếp tục khai thác rừng nằm trong sổ đỏ của mình. Thế nhưng lâm trường cử bảo vệ xuống ngăn cản và dùng vũ lực với chúng tôi. Số gỗ này đã đến tuổi khai thác thì lâm trường lại cấm nghĩa là làm sao? Mong muốn của người dân cấp thiết hiện nay là có đất để sử dụng và được khai thác số gỗ đã đến tuổi”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, cho biết: "Trước đây, UBND tỉnh cũng đã ra quyết định 456 thu hồi 83ha đất của Lâm trường Hợp Đồng để giao cho dân. UBND huyện cũng ra Công văn số 65 giao cho UBND xã Đồng Hợp chủ trì phối hợp với UBND xã Tam Hợp giải quyết chia đất. Hai xã đã có báo cáo số hộ khẩu và thỏa thuận phương pháp chia đất cho các hộ dân’.
Còn vấn đề người dân không được khai thác gỗ thì ông Ngư giải thích, lâm trường có kế hoạch riêng về việc thu hoạch và tiêu thụ. Về vấn đề này nằm ở hai phía: người dân Hợp Thành và Lâm trường Đồng Hợp cùng nhau đối thoại trực tiếp, để tìm ra biện pháp hợp lý cho cả hai.
Tình trạng tranh chất đất lâm nghiệp kéo dài dai dẳng suốt 10 năm nay, song vẫn chưa có tiếng nói chung, cuối cùng người dân vẫn là đối tượng chịu thiệt. “Có an cư mới lạc nghiệp”, thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần khẩn trương vào cuộc tìm hướng giải quyết dứt điểm để người dân có đất sản xuất.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.