(ĐSPL) - Hơn 10 năm qua, giữa Lâm nghiệp Đồng Hợp và người dân xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có nhiều cuộc họp và đối thoại nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề quyền sử dụng đất rừng thuộc về ai khi có tới 2 bìa đỏ trên một khu đất.
Như tin đã đưa, vào chiều ngày 3/2/2015, trong khi nhóm phụ nữ khoảng 30 người do gia đình ông Nguyễn Tất Hải, trú tại xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thuê đang bốc gỗ khai thác tại khu rừng ông đang sử dụng lên xe, lực lượng bảo vệ của Lâm trường Đồng Hợp xuất hiện ngăn cản. Ông Cao Lực, Phó Giám đốc Lâm trường Hợp Đồng, đã chỉ huy hơn 20 người lập rào chắn, cướp cưa của thợ đang làm việc và yêu cầu dừng các hành động “phá hoại rừng của lâm trường”.
Bức xúc trước hành động trên của lực lượng chức năng, nhóm người này đã lao đến đánh chửi. Sau đó, cuộc xô xát đã diễn ra khiến nhiều người bị thương, trong đó chủ yếu là người lớn tuổi.
Số gỗ đến tuổi nhưng lâm trường đã yêu cầu cấm khai thác. |
Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng công an xã và huyện Quỳ Hợp đã có mặt lập biên bản sự việc, đình chỉ việc thu hoạch gỗ của gia đình ông Nguyễn Tất Hải, giữ nguyên hiện trạng số gỗ đã được cắt khúc chờ cơ quan chức năng giải quyết. Ngay sau đó, gia đình ông Hải cũng đã viết đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu sự việc để có sự giải trình hợp lý về hành động trên của lâm trường.
Chỉ mảnh vào đất của gia đình, ông Nguyễn Tất Hải cho biết: “Năm 1990, chúng tôi đã đến định cư ở vùng đất này. Tôi và gia đình đã dùng chính sức của mình để khai hoang đất sản xuất và sinh sống. Năm 1998, tôi làm bìa đỏ quyền sử dụng đất trên diện tích đã khai hoang và liên tục sau đó sử dụng cho đến bây giờ. Thế mà lâm trường lại ngang nhiên lấy đất của gia đình tôi”.
Theo đó, bìa đỏ ông Hải đưa ra chứng minh quyền sử dụng đất của mình rộng hơn 16ha. Đối chiếu trong sổ địa chính xã Tam Hợp cũng có ghi tên chồng là Nguyễn Tất Hải, vợ là Nguyễn Thị Hạp, bìa số M378810 cấp ngày 9/12/1998 vào sổ cấp quyền sử dụng đất số: 00038/QSDĐ /4926.
Bìa đỏ quyền sử dụng đất chứng nhận của ông Nguyễn Tất Hải. |
Sự việc bắt đầu từ việc Lâm trường Đồng Hợp, trực thuộc công ty Lâm nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An) đề nghị người dân góp đất tham gia dự án trồng rừng 327. Theo đó, người dân sẽ được hưởng 2/3 sản phẩm, lâm trường hưởng 1/3. Đến năm 2014, cho rằng Lâm trường Đồng Hợp đơn phương chuyển sang rừng sản xuất mà không thông báo nên người dân xã Tam Hợp đã tổ chức khiếu kiện.
Sau đó, thực hiện kế hoạch đầu tư, trồng mới rừng nguyên liệu của công ty, Lâm trường Đồng Hợp đã cùng người dân ký các hợp đồng khoán nhận đất, sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Thế nhưng ông Nguyễn Tất Hải và anh Lê Văn Hùng (SN 1970), trú tại xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp không đồng ý. Lý do 2 gia đình này đưa ra là vì đây là đất do mình làm chủ, do chính tay khai phá nên lâm trường không có quyền “giao”.
Đã có nhiều cuộc họp và đối thoại để giải quyết vấn đề trên. Gần đây nhất là vào ngày 26/1/2015, cuộc họp giữa 4 bên gồm: gia đình ông Nguyễn Tất Hải, đại diện Lâm trường Đồng Hợp, chính quyền xã, chính quyền huyện đã diễn ra, thế nhưng kết thúc cuộc họp vẫn không đi đến một thống nhất chung.
Trong quá trình đang diễn ra tranh chấp, gia đình ông Nguyễn Tất Hải cho rằng mình đã có bìa đỏ nên vẫn tiếp tục khai thác khu rừng ông đang sử dụng. Khi biết ông Hải cho người “chặt trộm” gỗ, Lâm trường đã cử bảo vệ xuống ngăn cản gia đình.
Ông Hải khẳng định đây không phải là chữ ký của mình. |
Khi chúng tôi đến gặp đại diện Lâm trường Hợp Đồng, ông Đặng Văn Tiến, Chủ tịch công đoàn kiêm kế toán trưởng đã đưa ra Hợp đồng số 19 (Ngày 20/4/2007) có chữ ký rõ ràng của ông Nguyễn Tất Hải về việc nhận đất của lâm trường. Vì thế, bây giờ nếu gia đình ông Hải muốn khai thác số gỗ đến tuổi thu hoạch phải báo cho lâm trường biết để triển khai theo đúng kế hoạch.
“Sau dự án trồng rừng 327, lâm trường đã trả hết đất cho dân, gồm cả đất ở và đất sản xuất. Sau đó, lâm trường còn ký hợp đồng để đảm bảo sản xuất với người dân, thời hạn giao đất là 20 năm, tất cả các hộ đều đã ký nhận và có hợp đồng rõ ràng. Cả gia đình ông Hải và anh Hùng cũng đã ký nhận. Sắp tới chúng tôi sẽ mời cơ quan điều tra làm rõ sự việc”, ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cho biết thêm, lâm trường sẽ khởi kiện gia đình ông Hải về việc làm giả sổ đỏ để chiếm đoạt đất rừng và vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, bìa đỏ ghi tên chủ sử dụng đất là Nguyễn Viết Hải, vì có sự trùng tên nên ông Nguyễn Tất Hải đã lấy làm của mình.
Thế nhưng ông Hải vẫn khẳng định đây là đất của mình: “Đây là sai sót khi chúng tôi làm bìa đỏ, ngay sau đó gia đình đã lên UBND để khai báo và đã được xử lý theo quy định. Còn tôi khẳng định tôi không ký vào hợp đồng do lâm trường đưa ra, đó là hợp đồng giả mạo, tôi ký tôi phải biết chứ. Nếu cần chúng tôi sẽ mời cơ quan chức năng giám định chữ ký để làm rõ vấn đề”.
Ông Đặng Văn Tiến cho biết sắp tới sẽ mời cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ sự việc. |
Cũng trong tình trạng tương tự, anh Lê Văn Hùng bức xúc: “Tôi chưa hề thấy hợp đồng nào do lâm trường đưa ra nên không có chuyện tôi ký nhận. Nếu có hợp đồng thì chắc chắn chữ ký của tôi là giả. Đây là đất của tôi thì không thể nào có việc lâm trường đưa đất của tôi để giao cho tôi được”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, cho biết: “Sau khi biết sự việc chúng tôi đã kiểm tra, bìa đỏ đó là thật, nhưng là của ông Nguyễn Viết Hải nay đã mất. Vì sao ông Nguyễn Tất Hải lại có thì chúng tôi không rõ. Nguyên nhân của sự không rõ ràng này là vì đất nơi đây chủ yếu do người dân tự khai thác từ trước năm 1993 và hầu hết không khai báo. Tuy nhiên theo quy định khi người dân sử dụng liên tục, thời gian dài, không có tránh chấp thì họ sẽ được quyền sử dụng đất đó”.
Còn vấn đề làm hợp đồng giả, ông Ngư cho biết UBND xã đã báo lên huyện và tỉnh, sau đó sẽ lập đoàn kiểm tra và mời cơ quan công an giám định chữ ký thật giả rồi mới có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, do năm 2007 khu vực địa chính có sự thay đổi khi tách làm 2 xã Đồng Hợp và Tam Hợp như hiện nay nên có rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng về đất đai.
Thông tin tiếp theo về vụ việc sẽ được báo Đời sống và Pháp luật tiếp tục đăng tải.