(ĐSPL) – Liên quan đến vụ nổ xưởng sản xuất hóa chất làm chết 3 người ở quận 12, TP HCM, vấn đề trách nhiệm thuộc về cơ quan nào hiện vẫn chưa được làm rõ.
Vụ nổ xưởng sản xuất hóa chất làm chết 3 người, hơn 100 căn nhà bị hư hỏng (Ảnh Người lao động). |
Ngày 22/10,tại cuộc hợp giữa UBND TPHCM với các sở, ban ngành liên quan đến vụ nổ hóa chất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12) làm 3 người thiệt mạng, hơn 100 căn nhà bị hư hỏng, được dẫn lời trên báo Tiền phong, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân thừa nhận công tác quản lý mua bán, sử dụng hóa chất dễ gây nổ trên địa bàn 24 quận huyện của thành phố vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu kiểm soát đối với các cơ sở có hoạt động sản xuất ở khu dân cư dẫn đến những vụ cháy nổ đáng tiếc xảy ra, hậu quả vô cùng lớn.
Về công tác khắc phục hậu quả vụ nổ, được dẫn lời trên báo Vnexpres, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết trường hợp 2 mẹ con chết tại hiện trường (quê Đồng Tháp) trong vụ nổ rất thương tâm, người chồng vừa qua đời không lâu, giờ chỉ còn lại 3 đứa trẻ mồ côi. Vì vậy, quận đã về Đồng Tháp đóng học phí cũng như mở sổ tiết kiệm để giúp đỡ các em. Còn 5 người bị thương thì có 3 người đã xuất viện và 2 người đang tiếp tục theo dõi ở bệnh viện Chợ Rẫy.
Đối với 12 căn nhà bị sập hoàn toàn và sập một phần, quận đã thống nhất với Công an TP HCM khi PC 46 kiểm định chất lượng của các căn nhà còn lại sẽ kiểm định luôn giá trị thiệt hại để làm cơ sở bồi thường trong quá trình tố tụng. "Quận đã chi tiền thuê nhà cho 12 hộ bị sập và sập một phần trong vòng 3 tháng để hướng dẫn mọi người sửa chữa và xây dựng lại", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, theo tin tức trên báo Người lao động, Chủ tịch UBND quận 12, đã không đề cập gì đến trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.
Theo ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, công ty Đặng Huỳnh có vi phạm và địa điểm này không được sản xuất phân bón.
“Theo quy định thì trách nhiệm quản lý sản xuất phân bón vô cơ là của Sở Công Thương nên vụ này là của Sở Công Thương. Trách nhiệm quản lý của chúng tôi nhưng vì cơ sở này chưa đăng ký nên chúng tôi không nắm được”, ông Dũng biện minh.
Trong khi đó, đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM nhận định đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hóa chất nằm xen cài trong khu dân cư, theo luật UBND quận, huyện, phường, xã phải chịu trách nhiệm. Hiện nay Sở Công Thương quản lý chuyên ngành về hóa chất. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế… trong các nghị định, thông tư cũng quy định rất cụ thể về vai trò kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết vụ tai nạn là bài học lớn về quản lý nhà nước và các ngành nghề kinh doanh ở đô thị. Qua đây, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND 24 quận huyện lên phương án di dời, giải tỏa các cơ sở kinh doanh, sản xuất hóa chất ra khỏi khu dân cư.