(ĐSPL) - Trong tâm thư gửi TAND Bình Thuận, ông Nén cho rằng việc cơ quan này yêu cầu ông cung cấp hóa đơn chứng từ các khoản bồi thường là "đánh đố mình và gia đình
Tin tức đăng tải trên báo VOV cho hay, sáng 21/4, ông Nguyễn Thận – người được ông Huỳnh Văn Nén ủy quyền trong việc yêu cầu bồi thường cho biết, ông và cụ Huỳnh Văn Truyện – bố ông Nén, đã đến TAND tỉnh Bình Thuận để bổ sung yêu cầu bồi thường.
Theo ông Nguyễn Thận, trong số hồ sơ bổ sung nộp lên TAND tỉnh Bình Thuận có kèm theo “Giấy tường trình” của ông Nén, trong đó cho rằng việc TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu phải cung cấp các hóa đơn, chứng từ làm cơ sở để yêu cầu bồi thường số tiền 18 tỷ đồng là “một sự đánh đố của cơ quan chức năng” đối với cá nhân ông Nén và cả gia đình ông Nén.
Trong bản tường trình, ông Nén một lần nữa khẳng định rằng việc ông bị vướng vào vòng lao lý là điều ông và các thành viên trong gia đình không hề mong muốn. Khi ông bị ngồi tù oan, gia đình ông phải bán đất, bán tài sản với niềm tin có thể kêu oan nên không bao giờ lường trước được việc phải giữ hóa đơn, chứng từ mua bán để sau này nộp cho tòa khi được giải oan.
Ông Nén đặt câu hỏi: việc ông Nguyễn Thận và bố ông – cụ Huỳnh Văn Truyện phải chạy khắp đất nước gõ cửa nơi này, nơi kia kêu oan cho ông, mỗi lần đi như vậy phải tính chi phí bao nhiêu là đủ? Hóa đơn do cơ quan nào cấp? Việc vợ con ông phải tiêu tốn tiền bạc vào thăm nuôi, động viên chồng, cha mình trong tù, cơ quan nào cấp hóa đơn cho mỗi lần đi ấy?
“Những thiệt hại sau hơn 17 năm ngồi tù oan của tôi đã phải đánh đổi bằng danh dự, nhân phẩm, tài sản vật chất và tinh thần của cả dòng họ, cả 3 thế hệ trong gia đình tôi, chúng tôi làm sao có hóa đơn cho những thiệt hại đó?”, ông Nén viết.
Ông Nén khó cung cấp hóa đơn chứng từ các khoản yêu cầu bồi thường. Ảnh: báo VOV |
Ông Nén khẳng định đơn yêu cầu bồi thường đã thực hiện đúng theo mẫu của các cơ quan chức năng, riêng với phần xác định thiệt hại đối với cá nhân và gia đình hoặc những hệ lụy phải đối mặt thì “cá nhân tôi không biết cơ quan nào thẩm định và cũng không có điều kiện cung cấp hóa đơn, hay chứng từ theo quy định vì những lý do đã nêu trên”.
Ông cho rằng các văn bản dưới luật khó có thể dự đoán được tất cả các tình huống phát sinh, trong khi hai bản án của ông là tiền lệ chưa tùng có của nền tư pháp Việt Nam.
“Thực sự mà nói thì chẳng ai mong ở tù để được bồi thường. Nếu việc bồi thường không được quý cơ quan xem xét do thiếu chứng cứ, hóa đơn thì đó chính là sự bất công của công lý” – ông kết thúc bản tường trình.
Liên quan đến vụ việc này, tin tức đăng tải trên báo Vnexpress cũng cho biết, trước đó, sáng 11/4, ông Huỳnh Văn Nén và người thân đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ đồng vì phải mang hai án oan về tội Giết người - xảy ra ở xã Tân Minh (huyện Hàm Tân) gần 20 năm trước. Ông bày tỏ mong muốn được Nhà nước sớm xem xét giải quyết số tiền này để lo cho gia đình và các con đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian ông vướng lao lý.
Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương - đại diện TAND tỉnh Bình Thuận - tiếp nhận đơn của ông Nén, giải thích về quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước và yêu cầu ông bổ sung một số tài liệu, chứng từ liên quan theo quy định của pháp luật.
Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn, bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Cuối năm ngoái, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Ngay khi được minh oan, ông đề nghị xử lý hình sự 14 cán bộ trong ngành công an, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận gây oan sai cho ông và 9 thành viên trong gia đình vợ. Trong đó chỉ rõ điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKS ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm.
Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã đến thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận làm việc với ông Truyện, 8 người trong gia đình vợ ông Nén và với anh Nguyễn Phúc Thành – người có đơn từ trong trại giam tố cáo hung thủ thật sự giết bà Bông chứ không phải ông Nén.
HẠNH VŨ(Tổng hợp)
[mecloud]jEMg1WEW95[/mecloud]