(ĐSPL) - TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, tạm ứng bồi thường là thể hiện sự cầu thị của cơ quan làm sai
Về cơ bản, căn cứ để tính mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn hiện nay là luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư.
Theo đó, những nội dung ông Chấn có thể được xem xét bồi thường, gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe; tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu... Khi nào hai bên thỏa thuận xong, có văn bản lên, VKSND Tối cao sẽ trình Bộ Tài chính, cấp tiền về và thực hiện chi trả. Luật không quy định về việc tạm ứng tiền bồi thường.
TS. Dương Thanh Biểu. |
Trường hợp tại Sóc Trăng, việc cơ quan tiến hành tố tụng tạm ứng tiền bồi thường là rất hay và đáng hoan nghênh. Bởi, biện pháp này đã phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt cho những người bị hàm oan. Thông thường, thủ tục để bồi thường oan sai sẽ tiến hành rất lâu, bởi cơ quan chức năng sẽ xét duyệt rất kỹ, qua nhiều khâu để đảm bảo tính chính xác nhất. Ví dụ, chi phí thực tế, nằm viện bao lâu, đi xe bao nhiêu, thiệt hại về sức khỏe, tinh thần... Thế nên, nếu chờ đến khi lấy toàn bộ số tiền bồi thường sẽ rất gian nan.
Trong thời gian đó, nếu có một số tiền tạm ứng sẽ giúp ích rất nhiều cho người bị oan sai. Thử nghĩ, nếu cứ để họ chờ đợi mòn mỏi sẽ khiến họ càng lâm vào cảnh khó khăn, bi đát. Việc tạm ứng sẽ động viên họ rất lớn, khiến họ càng cảm phục sự quyết tâm và cầu thị của những cơ quan làm sai.
Tôi đánh giá cao động thái nhanh chóng của các cơ quan tố tụng tại Sóc Trăng. Nếu ngân sách cơ quan không có, VKS có thể vay ở các cơ quan khác để tạm ứng. Việc tạm ứng tiền bồi thường không chỉ góp phần chia sẻ khó khăn với người bị hàm oan mà còn thể hiện trách nhiệm của người làm sai với những nạn nhân. Trong luật cũng cần có cái tình.
Vẫn biết, không bao giờ có thể "bồi thường" được hết những gì mà ông Chấn và người thân phải gánh chịu. Nhưng việc sớm xác định, thực hiện bồi thường oan sai theo các quy định của pháp luật trong vụ án này sẽ phần nào bù đắp, xoa dịu bớt nỗi đau cho người dân. Nếu pháp luật quy định thêm về điều này, tôi nghĩ cũng rất tốt.
Việc làm thấu tình, đạt lý ấy còn góp phần ngăn chặn những hành vi lạm dụng quyền lực, khắc phục tình trạng năng lực yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức trong hệ thống các cơ quan tư pháp hiện nay. Không những thế, nó còn giúp hạn chế oan sai trong tố tụng hình sự như mục tiêu chiến lược cải cách tư pháp đang được Đảng, Nhà nước ta quyết tâm thực hiện.