(ĐSPL) - Theo một nguồn tin của PV được biết, ngày 2/12, VKSND tỉnh Sóc Trăng xác nhận đã tạm ứng tiền bồi thường oan sai cho 7 thanh niên bị bắt oan ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), mỗi người 20 triệu đồng. Điều đặc biệt trong vụ án này chính là việc tạm ứng trước tiền bồi thường oan sai cho 7 thanh niên.
Xung quanh sự kiện này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã trao đổi ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước...
Video tham khảo:
Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ Hồ Duy Hải có bị kết án oan
7 thanh niên dính án oan
Theo một nguồn tin PV có được từ VKSND tỉnh Sóc Trăng, mỗi người trong vụ án oan sai nói trên đã nhận tiền tạm ứng bồi thường. Dự kiến cuối năm nay, cơ quan này sẽ bồi thường nốt số tiền còn lại. 7 thanh niên đó gồm: Thạch Sô Phách, Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Nguyễn Thị Bé Diễm.
Rạng sáng 6/7/2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn D. (43 tuổi, trú tại huyện Trần Đề, hành nghề xe ôm) nằm chết gục trên đường thuộc xã Đại ân 2, huyện Trần Đề. Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Cơ quan điều tra (CSĐT) quyết định bắt tạm giam 6 nghi can để điều tra về hành vi giết người, gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách, cùng trú tại huyện Trần Đề. Riêng bạn gái của Trần Văn Đỡ là Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu) bị bắt về hành vi không tố giác tội phạm.
Khi vụ án sắp kết thúc điều tra thì tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (trú TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến cơ quan công an tại TP.HCM đầu thú. Duyên thừa nhận đã thông đồng với Phan Thị Kim Xuyến (16 tuổi, trú tại huyện Trần Đề) giết ông D. để cướp tài sản.
Duyên và Xuyến là hai đối tượng đồng tính, có quen biết với nạn nhân sau nhiều lần thuê ông D. chở đi làm. Sau khi thực hiện xong hành vi giết người, cả hai đã trốn lên TP.HCM thuê nhà sống chung. Tại đây, do phát hiện Duyên có "người mới", Xuyến tỏ ra ghen tuông, quyết định ra đầu thú để hai người được... mãi mãi bên nhau. Đề phòng có người thuê Duyên và Xuyến đứng ra nhận tội thay cho các bị can đã bị khởi tố trước đó nên sau khi di lý về Sóc Trăng, 1 trong 2 đối tượng này được chuyển đến tạm giam tại Bạc Liêu để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, qua nhiều lần thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng xác định lời khai của Duyên trùng khớp với các tình tiết trong vụ án.
Sau khi điều tra làm rõ thủ phạm đích thực của vụ án trên, VKSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam, đình chỉ điều tra đối với 7 bị can. Riêng bị can Diễm đã được cho tại ngoại từ trước đó.
Ngày 19/8/2014, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng phạt 12 năm tù về tội giết người và cướp tài sản. Đối với Duyên, lúc xảy ra vụ án chưa đủ 14 tuổi nên cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng đưa vào trường giáo dưỡng.
Ngày 3/12/2014, PV đã trao đổi qua điện thoại với bà Lâm Thi Ngọc Sương, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Sóc Trăng và được bà Sương cho biết: "Cơ quan này đã tạm ứng tiền bồi thường cho 7 người trong vụ án oan nói trên".
Anh Trần Văn Đỡ (phải) cho biết được VKSND tỉnh Sóc Trăng thương lượng bồi thường gần 75 triệu đồng. |
Có hai phương án chi trả
Liên quan đến việc VKSND tỉnh Sóc Trăng tạm ứng tiền bồi thường cho 7 thanh niên nói trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng cục Bồi thường Nhà nước. ông Hưng cho biết: Hiện nay, việc bồi thường ở một số vụ án thường diễn ra chậm bởói nhiều nguyên nhân ví dụ như không thỏa thuận được, người được bồi thường đòi hỏi quá cao, số tiền bồi thường quá lớn... Tuy nhiên, việc làm của VKSND tỉnh Sóc Trăng là một tín hiệu tích cực trong việc bồi thường oan sai, bước đầu tạo dựng lòng tin trong quần chúng và người có liên quan.
Về sự việc trên, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã căn cứ vào Điều 5 Thông tư số 71/2012/TTLT-BTC-BTP1 quy định về quy trình tạm ứng, về kinh phí bồi thường. Cụ thể có hai cách chi trả tiền bồi thường: Thứ nhất, khi phát sinh yêu cầu chi trả tiền bồi thường theo bản án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động rút dự toán chi quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao (nếu còn) để ứng chi trả cho người bị thiệt hại. Trên cơ sở kinh phí đã chi trả cho người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính bổ sung kinh phí bồi thường để hoàn trả kinh phí đã ứng trả cho người bị thiệt hại.
Thứ hai, trường hợp khi phát sinh yêu cầu chi trả bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường không còn đủ dự toán để ứng trả cho người bị thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này thì lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định để chi trả cho người bị thiệt hại".
Khởi tố 3 cán bộ liên quan đến vụ án oan Liên quan đến vụ án oan chấn động dư luận nói trên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã bắt tạm giam nguyên Thiếu tá, điều tra viên Nguyễn Hoàng Quân và nguyên Đại úy Triệu Tuấn Hưng về hành vi dùng nhục hình. Phạm Văn Núi (nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố, cho tại ngoại về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |