Tạp chí “American journal of case reports” (Mỹ) vừa công bố trường hợp đầu tiên trên thế giới ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công được thực hiện tại Hệ thống y tế Vinmec, Hà Nội, Việt Nam. Thành tựu đột phá của Vinmec đã tạo bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh non yếu vốn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tử vong do biến chứng của xơ phổi trên thế giới.
Trong số ra tháng 10/2017, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới “American journal of case reports” đã công bố công trình nghiên cứu về trường hợp đầu tiên ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công trên thế giới. Công trình do nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Tế bào gốc - Công nghệ Gen Vinmec do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng) thực hiện.
Vinmec trở thành Hệ thống Y tế đầu tiên tại Việt Nam đầu tư mạnh mẽ và chuyên sâu cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc - công nghệ gen với đầy đủ các thiết bị và công nghệ hiện đại |
Trường hợp ghép tế bào gốc chữa xơ phổi là một trẻ sinh non ở tuần 30, nặng 1,5kg. Tháng 5/2016, bệnh nhi nhập viện Vinmec khi được 4 tháng tuổi, đang trong tình trạng nhiễm trùng do thở máy kéo dài. Trẻ đứng trước nguy cơ tử vong do nhiễm trùng tái diễn và tăng áp lực động mạch phổi bởi các phương pháp điều trị truyền thống không phát huy tác dụng. Sau một thời gian điều trị chăm sóc nâng cao sức khỏe, tháng 9/2016, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã tiến hành ghép tế bào gốc cho bệnh nhi. 4 tuần sau, trẻ có thể tự thở, hoàn toàn cai được oxy. Hiện tại, cháu bé đã 22 tháng tuổi, phát triển tương đương trẻ sinh đủ tháng.
“Y văn thế giới chưa ghi nhận các phương pháp truyền thống giúp điều trị dứt điểm xơ phổi nặng ở trẻ sinh non. Trong khi đó, ghép tế bào gốc có thể mang lại hiệu quả triệt để bởi khả năng ngăn chặn và làm giảm quá trình xơ hóa phổi, đồng thời có thể biệt hóa thành phế nang mới giúp cải thiện cấu trúc và chức năng phổi. Nhờ đó, trẻ có thể tự thở, không cần lệ thuộc máy” – GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết.
Sau ca đầu tiên này, Vinmec đã ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công cho 2 trường hợp sinh non khác ở tuần 26 và 31.
Thành tựu đột phá của Viện nghiên cứu Tế bào gốc - Công nghệ Gen Vinmec tạo bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh non yếu. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100 ngàn trẻ sinh non cần chăm sóc đặc biệt. Trong đó, 30-80% trẻ sinh non yếu ở tuần 26-28 có nguy cơ tử vong trong 2 năm đầu tiên do xơ phổi, nhiễm trùng, tăng áp lực động mạch phổi. Tỉ lệ này sẽ tăng lên đến 80-90% khi sinh non yếu ở tuần 24-25. Đặc biệt, 50% trẻ sinh non được cứu sống phải nhập viện trên 5 lần/năm do viêm phổi.
“American journal of case reports” là tạp chí y học uy tín nhất trên thế giới chuyên công bố các phương pháp điều trị và chẩn đoán mới có tính đột phá hoặc công bố các bệnh lần đầu được phát hiện. Các bài báo đăng tải trên tạp chí sẽ đồng thời được đưa vào PubMed - thư viện y khoa điện tử của Mỹ - nơi công bố các công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học để giới khoa học toàn cầu có thể tra cứu, tham khảo.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và ekip thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh nhân |
Với việc được công bố trên “American journal of case reports” - lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc của Vinmec đã tiếp tục khẳng định uy tín trong cộng đồng y học toàn cầu. Ngày 30/10 tới, Vinmec cũng sẽ lần đầu tiên chủ trì Hội thảo quốc tế về tế bào gốc và công nghệ gen với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Vinmec trở thành Hệ thống Y tế đầu tiên tại Việt Nam đầu tư mạnh mẽ và chuyên sâu cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc - công nghệ gen. Ngoài việc ghép tế bào gốc chữa bại não, xơ phổi thành công, Vinmec đang nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc chữa các bệnh phức tạp khác như liệt do chấn thương cột sống, thoái hóa khớp gối, nhồi máu cơ tim, teo đường mật bẩm sinh, xơ gan, tự kỉ, tiểu đường, bước đầu đã thu được kết quả khả quan.
Công trình nghiên cứu về ghép tế bào gốc chữa xơ phổi thành công là bài báo khoa học thứ 70 đăng tải trên các Tạp chí y học quốc tế uy tín của GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc – Công nghệ Gen Vinmec. Trong đó, có nhiều công trình đã thu hút sự chú ý đặc biệt, điển hình là kỹ thuật “Điều trị teo đường mật bằng phẫu thuật nội soi với một số cải tiến quan trọng”; “Mổ không hậu môn giữ nguyên hệ thống cơ thắt”; kỹ thuật “Nội soi mổ u nang ống mật chủ” còn được đưa vào sách giáo khoa nhi thế giới. Thông tin tại www.vinmec.com |