(ĐSPL)- Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, đợt lũ lịch sử mang theo lượng chất bùn, than khổng lồ chứa nhiều kim loại nặng về vịnh Hạ Long sẽ tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ở đây lâu dài, nhiều loài hải sản có nguy cơ nhiễm kim loại nặng.
Mưa lũ lớn cuốn theo than và bùn đất đổ về vịnh
Tin tức từ Tiền phong, mấy ngày nay, con suối Hóa Chất (phường Hà Khánh) chảy từ khe núi ở mỏ than Thành Công (Công ty than Hòn Gai) qua khu dân cư tổ 26B khu 4 phường Hà Khánh, nước đen kịt. Những trận mưa lũ lớn cuốn theo than và bùn đất từ trên núi xuống đã nhuộm con suối thành màu đen đục ngầu.
Người dân đi hôi than trôi. |
Mấy ngày qua, khá đông người dân đổ ra suối để “tận thu” than trôi. Một người tận thu than trôi cho hay lượng than từ mỏ bị cuốn xuống đã giúp họ có thu nhập từ vài trăm đến cả triệu bạc/ngày nhờ vớt than trôi. Mỗi nhóm vớt than có thể vớt được ngót chục khối than/ngày. Tuy nhiên, những nhóm này chỉ có thể tận thu được một phần nhỏ than trôi trên suối. Một lượng không nhỏ than lẫn váng dầu cứ vô tư theo dòng nước đổ thẳng ra sông Cửa Lục.
Cách đó không xa, tại khu vực cầu Suối Lại, dòng nước đen đục từ trên núi cũng vô tư xả ra sông Cửa Lục. Trên địa bàn phường Hà Khánh, có chừng 3-4 con suối dẫn từ trên núi, nơi có các mỏ than, đổ ra sông Cửa Lục. Từ đây ra đến vịnh Hạ Long chỉ một quãng ngắn.
Tại khu vực phía cuối thành phố Hạ Long, con suối Lộ Phong (phường Hà Phong) dẫn nước từ mỏ than Hà Tu, Núi Béo ra khu vực rừng ngập mặn ven vịnh Hạ Long, cũng bị đổi màu đen ngòm. Từ quốc lộ 18 rẽ ra mé biển, phần cuối của con suối đổ ra bãi bồi ven bờ vịnh Hạ Long, những ngày gần đây, bùn than theo nước lũ tràn ra đã bồi lấp thành một bãi bồi mênh mông lẫn với rác.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, do đợt mưa lũ lớn kéo dài, tình trạng bùn đất, than trôi theo các suối diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan chức năng đã nắm được tình trạng này, tuy nhiên hiện nay Quảng Ninh đang tập trung khắc phục hậu quả trận mưa lũ lớn vừa qua để ổn định đời sống người dân. Theo ông Hậu, ở những nơi bùn than làm tắc dòng chảy của các mương, suối sẽ được khơi thông dòng để tiêu thoát nước.
Lo ngại thủy sản nhiễm kim loại nặng
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Đại học Quốc gia Hà Nội, lượng bùn, than khổng lồ theo nước lũ chảy ra vịnh Hạ Long trước hết sẽ làm bồi lấp khá nhiều diện tích ven bờ, làm thay đổi cảnh quan và nhiễu loạn hệ sinh thái nước mặn của vịnh Hạ Long như san hô, thảm cỏ biển.
Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là các dòng nước thải này mang theo các chất ô nhiễm dưới dạng chất hòa tan và chất rắn lơ lửng. Chất thải mỏ, trong đó có phiến than bao giờ cũng đi đôi với kim loại nặng như coban, kẽm, asen.
Nước thải mỏ có độ axit cao, trong môi trường có nhiều kim loại nặng thì sẽ hòa tan kim loại và chảy ra biển, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đi vào thủy sản.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vịnh Hạ Long không chỉ có giá trị đặc biệt về cảnh quan, địa chất, địa mạo (với những dãy núi và hang động hình thành cách đây hàng triệu năm) mà còn có đa dạng sinh học cao, với 2 hệ sinh thái nhiệt đới điển hình.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, hàng năm, vịnh Hạ Long tiếp nhận khoảng 25 triệu m3 nước thải sinh hoạt từ khu dân cư và khách du lịch, hơn 100 triệu m3 nước thải từ ngành than, và một lượng lớn nước thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hoạt động công nghiệp khác trong vùng.
Với hiện trạng thải như thế, vịnh Hạ Long đang bị lắng đọng trầm tích ở vùng ven bờ. Trận mưa lũ lớn như vừa qua, càng làm trầm trọng hậu quả đối với môi trường vịnh Hạ Long.
Mưa lũ lớn luôn gắn liền với xói lở, bồi lấp và trầm lắng vật chất trên nền đáy làm suy giảm diện tích phân bố thảm thực vật đáy, các rạn san hô cũng như mất nơi cư trú của động vật đáy, nhất là các loài sống cố định, ít di chuyển.
Một lượng lớn vật chất trầm lắng trên nền đáy, trong đó có hơn một vạn tấn than và bùn thải chứa nhiều kim loại nặng độc hại với hàm lượng cao như: cadmi, chì, crôm, asen, selen, mangan,… chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lợi sinh vật trong vịnh.
Với đặc thù vịnh Hạ Long, do được bao bọc bởi nhiều đảo lớn nhỏ xen kẽ nhau nên chế độ thủy động lực và khả năng trao đổi nước với đại dương bị hạn chế. Do vậy, nguồn chất thải giàu kim loại nặng này rất dễ trầm lắng hoặc tồn tại trong môi trường nước trong thời gian dài.
Hậu quả của cách làm sai, phải xem lại tất cả quy hoạch, chiến lược của ngành than
Tin tức từ Tuổi trẻ, GS Đặng Trung Thuận, ĐH Quốc gia Hà Nội,cho rằng cơn mưa lớn với lượng đất đá trôi xuống kỷ lục trong đợt mưa lần này là bài học để ngành than cần nâng cao trách nhiệm khi khai thác khoáng sản.
Lượng than khổng lồ trôi theo dòng nước sẽ gây ô nhiễm cả môi trường nước và môi trường không khí. |
Ông Thuận nói đúng ra phải làm cuốn chiếu, sau khi khai thác mỏ A xong, đất thải từ mỏ B sẽ được đổ sang moong (hố đã khai thác) mỏ A. Nhưng hiện nay nhiều nơi không có moong, người ta phải làm bãi thải ngoài.
Với những bãi thải này mưa lớn như vậy thì kiểu gì cũng bị trôi. Ông Thuận dẫn chứng cho biết dọc đường từ Cẩm Phả ra Móng Cái có thể thấy những bãi thải cao như quả đồi, quả núi.
Theo ông Thuận, việc sạt lở, trôi bùn đất nhiều ở Quảng Ninh chính vì các bãi thải chứ không phải do địa hình.
Từ những thực tế đó, ông Nguyễn Thành Sơn - nguyên trưởng ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc TKV - đề nghị cần xem lại khâu quy hoạch, bởi đơn giản, “một thành phố ven biển mà bị ngập lớn như thế thì phải xem lại”.
Còn ông Thuận khẳng định từ lâu đã có kiến nghị gia cố những bãi thải, thậm chí đã có đề tài cấp nhà nước đề nghị cách làm khác bài bản hơn nhằm hạn chế thiệt hại từ các bãi thải của ngành than, nhưng ông Thuận cho biết “nó chưa được áp dụng”.
Theo GS Đặng Ngọc Dinh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng), rất không ổn khi khai thác tài nguyên than mà không có các giải pháp hiệu quả trước thiên tai.
“Tại sao lũ lụt tại Quảng Ninh vừa qua lại lớn vậy, nhanh vậy? Câu trả lời đầu tiên là những cánh rừng trên các ngọn đồi đã không còn. Khi rừng không còn thì nước lũ xuống rất nhanh, xối rất mạnh. Đây là cái giá phải trả rất đắt cho việc phá rừng để khai thác mà không trồng lại rừng” - GS Dinh nhấn mạnh.
GS Dinh còn nói một lượng than khổng lồ trôi theo dòng nước sẽ gây ô nhiễm cả môi trường nước và môi trường không khí. Có thể những ô nhiễm từ than trôi không lớn, vì than là chất hữu cơ, không phải ô nhiễm nghiêm trọng kiểu hóa chất, nhưng chắc chắn việc sử dụng nguồn nước của người dân sẽ bị ảnh hưởng.
“Tôi cho rằng phải xem lại tất cả quy hoạch, chiến lược của ngành than, xem thử người ta có lồng ghép các chương trình thích ứng tác động của biến đổi khí hậu chưa.
Trong quy hoạch về năng lượng, quy hoạch ngành than không chỉ tính đến cái giá phải trả về kinh tế, về môi trường mà phải tính đến cả cái mất khi phải hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó xác định giải pháp khai thác ra sao, chỗ nào được khai thác, chỗ nào phải giữ rừng, không nên khai thác bằng mọi giá” - GS Dinh kiến nghị.
Gây nguy cớ lớn về sức khỏe con người AFP dẫn lời chủ tịch Robert Kennedy của Tổ chức Waterkeeper Alliance cho rằng bùn từ các mỏ than bị ngập đổ về các khu dân cư đang gây nguy cơ lớn về môi trường và sức khỏe tại Quảng Ninh. “Chúng tôi rất quan ngại về quy mô và mức độ của tình trạng này” - ông Kennedy nói. Theo Waterkeeper Alliance, bùn than có thể khiến nguồn nước bị nhiễm các chất độc như thạch tín, chì và thallium. “Các bãi thải như những quả bom hẹn giờ nếu chúng không được xây dựng phù hợp để chống chịu các đợt mưa lớn” - Reuters dẫn lời bà Donna Lisenby, quản lý chiến dịch năng lượng sạch và an toàn của Tổ chức Waterkeeper Alliance. “Ngoài các mối nguy hiểm thông thường xuất hiện ngay sau lũ như các chấn thương, bùng phát các căn bệnh từ nguồn nước, nước lũ ở Quảng Ninh có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ em vốn rất dễ bị tổn thương trước những chất độc hại” - chuyên gia Aaron Bernstein thuộc ĐH Harvard nhận định. Trong khi đó, với khu hệ động vật đáy rất phong phú, trong đó có hơn 300 loài động vật thân mềm thì tác động của nguồn thải này lên sinh vật đáy, nhất là những đối tượng ăn lọc, ít di chuyển như động vật thân mềm là khá lớn. Theo TS Huân, Viện Hải dương học cho biết: để đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường lên hệ sinh thái tự nhiên của vịnh Hạ Long cần phải có khảo sát, phân tích, mô phỏng chi tiết. Những tác động lên môi trường, các hệ sinh thái, nguồn lợi, tài nguyên thường khó định lượng trực tiếp và hậu quả vô cùng nặng nề, rất khó khắc phục trong một thời gian ngắn, dù có đủ nguồn lực, công nghệ. |
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]