(ĐSPL) – Trái với ý kiến xuyên tạc của Euronews, Việt Nam vẫn khẩn trương huy động mọi lực lượng, tiến hành công tác tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay Malaysia mất tích.
“Công tác tìm kiếm cứu nạn phải được triển khai liên tục 24/24 giờ”
Ngay sau khi nhận được thông tin chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia mất tích trên vùng Biển Đông, chính phủ Việt Nam đã khẩn trương tiến hành công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Chiều ngày 9/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn họp khẩn cấp với đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan về công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chiếc máy bay mất tích.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu trong một cuộc họp chỉ đạo công tác tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích. Ảnh TTXVN |
Trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng thuộc Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đảm bảo nỗ lực tối đa, huy động đầy đủ các lực lượng. Công tác tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện 24/24h. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tạo điều kiện và phối hợp cho các lực lượng chuyên trách tìm kiếm cứu nạn của các nước khác tham gia, đồng thời tăng cường công tác an ninh đối với tất cả các sân bay.
Ngày 10/3, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã triển khai xong Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc do ông Phạm Qúy Tiêu- Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân khu 9 và Bộ Tham mưu Biên phòng triển khai cho các đơn vị tăng cường nắm tình hình liên quan, sẵn sàng phương tiện tham gia cứu nạn khi có lệnh.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện và phối hợp với lực lượng cứu hộ của Trung Quốc, các nước liên quan tham gia công tác tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích, cũng như giải quyết các công việc liên quan tiếp theo.
Việt Nam điều 11 máy bay tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân cho biết hôm nay (11/3), 11 máy bay tham gia công tác tìm kiếm. Việt Nam đã huy động 4 máy bay Antonov 26, 4 máy bay trực thăng (hai chiếc Mi-171), 2 máy bay CASA của Cảnh sát biển và 1 thủy phi cơ vào cuộc tìm kiếm chiếc phi cơ mất tích. AN 26 sẽ bay ở tầm từ 3-5 nghìn mét. CASA 272 tìm kiếm ở tầm thấp hơn, Mi-171 còn bay thấp hơn nữa khoảng 150 mét. Máy bay của cảnh sát biển rà soát ở độ cao 300 mét.
|
"Vệ sĩ trên không" của Cảnh sát biển Việt Nam sáng nay sẽ nhập cuộc tìm kiếm máy bay mất tích. |
Hai máy bay Antonov-26 sẽ từ Tân Sơn Nhất ra phía Đông Nam của Cà Mau, cách đất liền khoảng 45km, diện tích tìm kiếm sẽ là 15.000 km2. AN-26 là một máy bay vận tải hạng nhẹ hai động cơ phản lực cánh quạt, được phát triển từ AN 24 với những sửa đổi đặc biệt để sử dụng trong quân sự.
Hai máy bay CASA 212 của Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã xuất phát. Máy bay 1 mang số hiệu 8981, cất cánh lúc 9h22 tìm kiếm phía Đông đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang). Máy bay 2 mang số hiệu 9882 cất cánh lúc 9h38 tìm bên phải đường bay của máy bay mất tín hiệu. Được biết, CASA 212 là máy bay tuần thám hiện đại nhất Việt Nam, được mệnh danh là "Mắt thần biển Đông”. CASA còn được gọi là “Vệ sĩ trên không” của Cảnh sát biển Việt Nam, với hệ thống radar MSS–6000 tối tân, hiện đại cho phép quan sát vùng biển, vùng trời thuộc hải phận Việt Nam, trong vòng bán kính 120km. Khi hoạt động ở độ cao dưới 3km, CASA 212 có thể bay liên tục trong vòng từ 7–8h. CASA một mặt làm nhiệm vụ tìm kiếm, mặt khác sẽ cùng lúc tự động quay phim, chụp ảnh những vật khả nghi để gửi về Sở chỉ huy phân tích.
Cũng trong hôm nay 11/3, hai chiếc trực thăng vận tải Mi-171 đã cất cánh từ Sân bay Phú Quốc, bay đi tìm kiếm, cứu nạn tại vị trí 8 độ 47 phút 30 giây vĩ độ Bắc, 102 độ 55 phút 12 giây kinh độ đông. Đây là vị trí tìm kiếm mới, cách đảo Thổ Chu (Phú Quốc) khoảng 140 km. Tuy nhiên, tính đến 13h30, hai chiếc trực thăng đã hạ cách xuống Sân sân bay Cà Mau, sau gần 4 giờ bay mà chưa phát hiện được dấu hiệu khả nghi nào nhưng vẫn được đặt trong tư thế sẵn sàng bay khi có lệnh.
Chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 của Quân chủng Hải quân do hai phi công gồm đại úy Vương Đang Nam và thượng úy Phạm Vũ Tuấn điều khiển đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra biển tìm kiếm cứu nạn. Máy bay chở theo 14 thành viên là cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ Hải quân khu vực 5 do Thiếu tướng Nguyễn Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân trực tiếp có mặt trên máy bay chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 11/3, Việt Nam cũng sử dụng vệ tinh VINASAT-1 tìm kiếm máy bay mất tích. Vệ tinh này chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực nghi máy bay Maylaysia bị mất tích. Trong đêm nay, vệ tinh sẽ truyền về những bức ảnh chụp từ khu vực đảo Thổ Chu để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã huy động 11 tàu các loại của các lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Các tàu tìm kiếm hoạt động theo 2 phân khu điều hành phối hợp với hải quân, không quân nhịp nhàng để tiếp cận các điểm nghi vấn.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết Việt Nam là nước chủ nhà trong việc tìm kiếm máy bay bị mất tích nên phải giữ vai trò chủ đạo trong công tác tìm kiếm.
Song Tú(Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-doc-suc-tim-kiem-may-bay-malaysia-mat-tich-a25086.html