(ĐSPL) – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Tokyo muốn thúc đẩy việc cung cấp các tàu tuần tra cho Hà Nội trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam.
“Các hoạt động khoan dầu đơn phương của Bắc Kinh tại vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền đang làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực”, ông Abe phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal.
Thủ tướng Abe đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình viện trợ hàng hải cho Hà Nội. Tuy nhiên, do điều kiện hiện tại, “các tàu vẫn chưa được đóng, vì vậy, chúng chưa sẵn sàng trong nay mai”, ông cho hay và khẳng định “Chúng tôi đang cân nhắc cung cấp tàu dựa trên quan điểm rằng chúng sẽ có ích trong việc đem đến ổn định và hòa bình trong khu vực đó".
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Theo nhận định của một chuyên gia Australia, hành động của Trung Quốc đang tạo cơ hội cho Mỹ vào Châu Á nhiều hơn.
Alan Dupont, giáo sư an ninh quốc tế của trường Đại học New South Wales (Australia), nói rằng những hành động thiếu thiện chí của Bắc Kinh đối với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên biển trên Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia… đã giúp Mỹ có cơ hội phục hồi năng lực hệ thống liên minh của mình ở Đông Á và tạo thế cân bằng hiệu quả hơn chống lại Bắc Kinh.
Về phía Nga chắc hẳn cũng không đồng tình với hành động của Trung Quốc. Dmitry Mosyakov, giáo sư tại Viên Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Nga nhận định, Nga có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, trên thực tế Nga là một người bạn thân của Việt Nam và rõ ràng, Nga sẽ tiếp tục quan hệ với Việt Nam.
Theo phân tích của Francois Godement, giáo sư khoa học chính trị từ trung tâm Sciences Po kiêm giám đốc chiến lược Trung tâm Châu Á tại Paris, Nga là một nước ủng hộ truyền thống của Việt Nam và sẽ mất bạn bè rất nhanh, nếu nghiêng về phía Trung Quốc. Mặc dù Nga-Trung đẩy mạnh hợp tác song phương nhưng Nga có lợi ích riêng của Nga và Trung Quốc có lợi ích riêng của họ.
|
Mặc dù Nga - Trung đẩy mạnh hợp tác song phương, nhưng Nga có lợi ích riêng của Nga, Trung Quốc có lợi ích riêng của Trung Quốc. |
Trong một diễn biến khác, tính đến chiều 27/5, bản kiến nghị của Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Mỹ gửi Nhà Trắng yêu cầu Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã nhận được hơn 100 nghìn chữ ký. Như vậy, theo quy định, Mỹ sẽ cần đưa ra một phản hồi chính thức đối với kiến nghị này.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-bien-dong-nhat-thuc-day-vien-tro-hang-hai-cho-vn-a34591.html