+Aa-
    Zalo

    Vẹn nguyên Lời thề Độc lập

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của nhiều nền độc lập với thể chế dân chủ cộng hòa, nhưng không có nền dân chủ cộng hòa nào suốt quá trình phát triển của mình....

    Thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của nhiều nền độc lập với thể chế dân chủ cộng hòa, nhưng không có nền dân chủ cộng hòa nào suốt quá trình phát triển của mình phải đấu tranh để giữ vững độc lập tự do như ở Việt Nam.

    Lời thề độc lập ngày 2/9/1945

    Cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc (tháng 8/1945) đã đưa đến kết quả to lớn: Toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân Việt Nam. Ngày 28/8/1945, khi những địa phương cuối cùng ở đất liền và hải đảo tổng khởi nghĩa thắng lợi thì tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (do Quốc dân Đại hội  Tân Trào bầu ra) nhóm họp để cải tổ thành Chính phủ Cách mạng lâm thời và bàn việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ trước quốc dân đồng bào.

    Chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn người dự Lễ mít tinh mừng độc lập, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới.

    Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

    Tuyên ngôn Độc lập khẳng định “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà".

    Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập”.

    Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

    “Độc lập hay là chết” !

    Lúc ấy ở Sài Gòn cả biển người kéo về đại lộ Cộng hòa (nay là đường Lê Duẩn) lắng nghe lời Hồ Chủ tịch truyền từ Thủ đô Hà Nội. Tại đây, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu với nhân dân và nhắc nhở: “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa” vì kẻ thù đang “toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên 25 triệu đồng bào”, vì vậy cần nêu cao ý chí “cương quyết chống mọi sự xâm lăng”, “hãy sẵn sàng chiến đấu”.

    Cuộc mít tinh mừng độc lập ở Sài Gòn chuyển ngay thành cuộc biểu dương lực lượng với các biểu ngữ giăng ngang đường viết bằng các thứ chữ Anh, Nga, Pháp, Việt “Độc lập hay là chết”.

    Hơn 20 ngày sau đó, đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, tiếng súng chống xâm lược lại nổ ran nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn.

    Tại hội nghị Cây Mai (nhà số 629 đường Cây Mai, nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5) sáng sớm ngày 23/9/1945, một hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu vừa soạn trong đêm được thông qua thể hiện bằng hành động giữ lời thề độc lập: “Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết” !... Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

    “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” !

    Buổi bình minh của nền dân chủ cộng hòa Việt Nam có bao nhiêu khó khăn và thử thách đòi hỏi phải hóa giải nguy cơ chiến tranh, tranh thủ từng giây phút hòa bình: Hậu quả mà chế độ thuộc địa và phong kiến để lại, nạn thù trong giặc ngoài đe dọa vận mệnh nền độc lập; Đảng cầm quyền phải tạm thời rút vào bí mật; Chính phủ đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác; Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp điện đàm từng câu chữ với đối phương để cứu vãn tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”…

    Nhưng “càng nhân nhượng” thì kẻ thù “càng lấn tới”: Sáng 18/12/1946, đối phương đòi được tự do đi lại trên đường phố Hà Nội, chiều ngày 18/12/1946, chúng đòi đảm nhiệm việc trị an ở Thủ đô, sáng 19/12/1946, chúng đòi tước vũ khí lực lượng tự vệ… Chúng đang “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

    Khả năng hòa hoãn đã hết. Hồ Chủ tịch chủ tọa cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Vạn Phúc (Hà Đông) ngày 18/12/1946 quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

    Đêm 19/12/1946, pháo đài Láng bắn 3 loạt đạn vào các vị trí quân Pháp trong nội thành, mở đầu hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc. Thủ đô và cả nước kiên quyết giữ vững lời thề độc lập theo tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” !

    “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”

    “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, các nước công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nhưng liền đó chủ nghĩa thực dân mới ập đến với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào cả nước ngày 6/7/1956 đã chỉ rõ: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”. Hơn 20 năm (1954-1975) quân dân Việt Nam trên cả hai miền Nam-Bắc “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới.

    Nhân dân ta phải qua 30 năm gian khổ, hy sinh vô bờ để đi đến Ngày vui đại thắng 30/4/1975 và làm nên “chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người”, một sự kiện “có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời đại sâu sắc”.

    “Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập, tự do”

    Từ trong những ngày khói lửa của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngày 17/7/1966 tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và nói đến “ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

    Nhưng khi non sông vừa liền một giải, mang trên mình còn lắm vết thương, tiếng súng giữ biên cương, hải đảo lại nổ giòn. 

    Ngay trong đêm 17/2/1979, nghe tin “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hành khúc mới kết thúc bằng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập - tự do". Từ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc, từ đất liền đến quần đảo Trường Sa, cả dân tộc đứng lên chiến đấu “giữ vững quyền tự do và độc lập”.

    Giờ đây, đất nước có thêm nhiều sức mạnh để củng cố và phát triển, Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ mà còn có vị thế và uy tín lớn trên trường quốc tế; không chỉ có chủ quyền thống nhất từ đất liền đến biển đảo khơi xa mà còn có quan hệ ngoại giao và kinh tế với hơn 180 nước khắp các châu lục. Dân tộc Việt Nam không chỉ tái sinh và làm “mát dạ ông cha nghìn thuở trước” mà còn đủ tầm, đủ lực hội nhập bàn chuyện bốn biển năm châu hiện tại và mai sau.

    Vẫn còn nhiều nguy cơ và thách thức nhưng Lời thề Độc lập từ năm 1945 vẫn còn đây: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Ta tin để vững bước vào tương lai!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ven-nguyen-loi-the-doc-lap-a200747.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan