Sáng 29/6, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Tổng cục An ninh, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Đài Tiếng nói Việt Nam đã đồng tổ chức buổi giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh Tài chính- Tiền tệ”.
Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam ở trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan, GDP tăng ở mức cao, tái cơ cấu nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong những thành quả đó, đóng góp của hệ thống Tài chính- Tiền tệ rất đáng ghi nhận.
Với mục đích cung cấp thông tin đa chiều, tuyên truyền và phổ biến đến quần chúng nhân dân về những vấn đề liên quan đến pháp luật, hoạt động tài chính, an ninh tiền tệ, tạo điều kiện phối hợp với Nhà nước và các tổ chức tài chính trong việc tuyên truyền, hỗ trợ điều hành chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thông qua các buổi giao ban báo chí hàng tuần, trên cơ sở ý tưởng của Nhà báo Nguyễn Đức Đông, nguyên Phó Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, Phó tổng Biên tập Báo điện tử Người Đưa Tin và được sự đồng thuận của Hội Luật gia Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục An ninh (A84), Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) phối hợp tổ chức buổi giao lưu chính luận: "Thông tin truyền thông với An ninh Tài chính-Tiền tệ".
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, khẳng định thông tin, truyền thông có tác động tới việc hình thành niềm tin, thái độ và hành vi của công chúng, có khả năng hình thành và định hướng dư luận xã hội. Bởi vậy thông tin, truyền thông đối với việc bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ góp phần nâng cao ý thức của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này; đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tăng tính an toàn, hiệu quả của hệ thống tài chính, tiền tệ.
Chương trình giao lưu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề cơ bản: Bảo mật, an ninh thông tin tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế số; nâng cao khả năng nhận diện, ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro, nguy cơ từ tin đồn thất thiệt trong hệ thống, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính, tiền tệ; nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tiền tệ nhằm tăng hiệu quả phân bổ vốn; vai trò của truyền thông, báo chí đối với an ninh tài chính, tiền tệ; nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý và ứng phó với khủng hoảng truyền thông khi xảy ra các biến cố trên hệ thống tài chính, tiền tệ.
Chương trình còn có sự tham dự của TS. Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Tham gia tại buổi giao lưu, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, cho rằng trong đời sống truyền thông, tin đồn là “sản phẩm truyền thông” chứa đựng nhiều yếu tố nhiễu trong quá trình truyền thông, bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: Trình độ, nhận thức, sở thích, thói quen, hoàn cảnh của người truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Do đó, mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được thêm hoặc bớt những tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.
Đối với vấn đề an ninh, tài chính, tiền tệ, những tin đồn sai sự thật có tác hại rất nghiêm trọng trên lĩnh vực kinh tế. Do đó, vấn đề then chốt là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể truyền thông và tin đồn. Khi các phương tiện truyền thông trở thành “vật dẫn” đưa tin từ không thành có, từ tin đồn biến thành dư luận xã hội thì trách nhiệm xã hội nhà báo cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thẳng thắn hơn.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng quan tâm đến việc nhận diện, ngăn chặn, sớm bác bỏ các tin đồn thất thiệt, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính tiền tệ. Ông cho rằng, trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội là tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực, hiệu lực, trách nhiệm và sự phối hợp thông tin, quản lý thông tin gắn với các hoạt động tài chính, tiền tệ; mặt khác nâng cao năng lực, chất lượng thông tin nghiệp vụ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan truyền thông.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ trong buổi tọa đàm. |
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, cục trưởng cục an ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (Tổng cục an ninh Bộ Công an) chia sẻ lĩnh vực tài chính, tiền tệ là huyết mạch của nền kinh tế, nên được các cơ quan thông tin truyền thông đặc biệt quan tâm. Mọi chủ trương chính sách, pháp luật, định hướng của đảng, nhà nước về tài chính, tiền tệ đều được thông tin cập nhật một cách nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông báo chí còn phát hiện và phản ánh nhiều vấn đề yếu kém, tham nhũng tiêu cực, xẩy ra trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ để chủ động thông tin, định hướng dư luận và giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội, góp phần làm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính, ngân hàng, qua đó giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm của quần chúng nhân dân nói chung và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên còn không ít những tác động tiêu cực do sự nhiễu loạn thông tin, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, an toàn của mỗi người dân làm mất an ninh trật tự xã hội, đòi hỏi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của truyền thông đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tài chính, tiền tệ quốc gia.
Còn theo Nhà báo Nguyễn Đức Đông, Phó tổng biên tập Người đưa tin, do hoạt động tài chính, tiền tệ là một lĩnh vực nhạy cảm, dễ đổ vỡ, có tính lan truyền… đặc biệt là trong điều kiện một thị trường chưa phát triển hoàn hảo, rủi ro thông tin thiếu cân xứng cao như ở Việt Nam, đòi hỏi công tác thông tin truyền thông về hoạt động tài chính, tiền tệ cần phải đảm bảo chính xác, an toàn cho hệ thống.
Kết thúc buổi giao lưu chính luận này, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức chương trình hy vọng sẽ mang lại cách tiếp cận mới, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò của thông tin truyền thông với an ninh Tài chính-Tiền tệ. Qua đó, góp phần phát triển thị trường tài chính- tiền tệ một cách hiệu quả và bền vững, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.
Ban tổ chức xin cảm ơn hỗ trợ của các đơn vị tài trợ: 1. Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) - Nhà tài trợ Kim cương 2. Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - Nhà tài trợ Kim cương 3. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) - Nhà tài trợ Vàng 4. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Nhà tài trợ Vàng 5. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - Nhà tài trợ Vàng 6. Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Cienco4) - Nhà tài trợ Vàng 7. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Nhà tài trợ Vàng 8. Ngân hàng TMCP An Bình (AB bank) - Nhà tài trợ Bạc 9. Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) - Nhà tài trợ Bạc 10. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Nhà tài trợ Bạc 11. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) - Nhà tài trợ Đồng 12. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Nhà tài trợ Đồng 13. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Vpbank) - Nhà tài trợ Đồng 14. Tổng công ty Viglacera - CTCP 15. Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình 16. Công ty TNHH Hoàng Ngân 17. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) 18. Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) Buổi giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh Tài chính- Tiền tệ” đã diễn ra thành công tốt đẹp. |
Mỹ An