ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, luật An ninh mạng không “bịt miệng dân” như một số luồng tư tưởng không thiện chí. Luật An ninh mạng bảo vệ quyền con người, quyền công dân một cách tốt nhất.
Luật An ninh mạng không "bịt miệng" dân
Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, vẫn còn những cách hiểu không đúng về luật An ninh mạng. Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật An ninh mạng, đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin trong cuộc trò chuyện mới nhất.
PV: Thưa Thiếu tướng, hiểu sai về luật An ninh mạng và kể cả dự án luật Đặc khu (luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), nhiều người đã bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục gây nên tình trạng mất an ninh trật tự ở một số địa phương. Những tư tưởng sai lệch này là không xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi nghĩ đó là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Đây không thể gọi là tự do hay quyền lợi được. Những hành vi lan truyền thông tin tiêu cực, kêu gọi người dân xuống đường để phản đối luật Đặc khu, luật An ninh mạng,gây rối trật tự an toàn xã hội, tấn công trụ sở cơ quan công quyền… là xuất phát từ luồng thông tin không chính xác về luật An ninh mạng. Những thông tin làm lệch định hướng, méo mó chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước như vậy hoàn toàn là dụng ý không tốt.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (bìa trái) trả lời về luật An ninh mạng tại buổi họp báo của Quốc hội. Ảnh: Người Đưa Tin |
PV: Vậy, nói luật An ninh mạng ngăn cản, “bịt miệng” người dân, ngăn cấm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam là hoàn toàn sai?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Đúng như vậy. Luật An ninh mạng không cấm quyền tự do ngôn luận của người dân. Ngược lại, luật An ninh mạng bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân và các quyền nhân thân khác của công dân.
Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ giúp cho việc định hướng đúng đắn đến người dùng mạng xã hội hiện nay, không bị cuốn vào những luồng thông tin xấu, độc.
Tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật. Tự do ngôn luận ở Việt Nam sẽ khác với tự do ngôn luận ở nước ngoài. Chúng ta không thể mang tiêu chí, chuẩn mực về tự do ngôn luận của các nước khác vào Việt Nam. Mọi công dân có quyền tham gia trên không gian mạng, không ai cấm đoán, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Cho nên tôi khẳng định lại, nói luật An ninh mạng “bịt miệng”, “ngăn chặn”, cấm tự do ngôn luận là những người có tư tưởng không thiện chí, không vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Cần hiểu rõ ràng, cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, không bao giờ can thiệp vào thông tin cá nhân của bất kỳ ai. Sự can thiệp chỉ bắt đầu khi có dấu hiệu vi phạm an ninh mạng, thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
PV: Việc xây dựng luật ở Việt Nam nói chung, luật An ninh mạng nói riêng luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch, luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Điều này một lần nữa khẳng định qua việc, luật An ninh mạng đã có những chỉnh lý phù hợp tình hình thực tế hơn ở dự thảo được các ĐBQH bấm nút thông qua ngày 12/6, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của cử tri, nhân dân, các nhà khoa học, cơ quan đại diện nước ngoài… về việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Theo đó, điểm d, khoản 2, Điều 26 quy định: “Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải: Lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”; khoản 3, Điều 26 quy định: “Chính phủ quy định cụ thể các loại thông tin phải lưu trữ tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam tại điểm d khoản 2 Điều này”.
Như vậy, chúng ta chỉnh lý theo hướng, chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì mới quy định việc lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam; khẳng định người dùng Việt Nam sử dụng dịch vụ tại Việt Nam thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Quy định này nhằm mục đích bảo hộ quyền hợp pháp của công dân Việt Nam về bí mật thông tin cá nhân, bí mật trong mọi mối quan hệ và các quyền nhân thân khác.
Luật An ninh mạng bảo vệ người dân tốt hơn trên không gian mạng
PV: Thưa ông, một số tư tưởng không thiện chí như ông nói đã xuyên tạc theo hướng cho rằng, những quy định này cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, phát sinh chi phí của doanh nghiệp, vi phạm cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế mà chúng ta đã tham gia. Xin ông chia sẻ quan điểm đúng đắn về nội dung này?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Thực tế không phải như vậy. Google, Facebook chưa có một phát ngôn chính thống nào về việc rời khỏi Việt Nam. Người Việt Nam vẫn dùng Google, Facebook bình thường, miễn là không vi phạm những điều pháp luật đã cấm. Thị trường người dùng Việt Nam là rất lớn, những “ông lớn” như Google, Facebook không thể rời bỏ.
Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ vấn đề, nghe dư luận sai trái thì hùa theo, vô hình trung đẩy vấn đề đi xa hơn. Tôi cho rằng, người dùng chưa nhận thức hết được rằng, ngoài tác động tích cực thì tác động tiêu cực của mạng xã hội còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội.Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung của các quốc gia trên thế giới. Tôi lấy ví dụ như Facebook, tại sao họ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, nghị viện châu Âu, Quốc hội Anh? Chính bởi những tác động của mạng xã hội mang đến vấn đề bất ổn cho các quốc gia. Cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nội dung này.
PV: Là cơ quan thẩm tra, cũng là người trực tiếp thẩm tra Luật này từ những bản dự thảo đầu tiên do Chính phủ trình, xin ông nói ngắn gọn về những lý do cho thấy cần thiết thông qua luật An ninh mạng trong giai đoạn hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Như đã nhiều lần trả lời báo chí, tôi khẳng định một lần nữa, luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ thiết lập cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Một số điểm đáng chú ý tại dự án luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua bao gồm: Thứ nhất,Luật quy định những điều cấm để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết rõ hành vi không được làm.
Thứ hai, luật An ninh mạng quy định bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh Quốc gia. Đây là hệ thống có tính chất rất quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ ba, quy định các biện pháp phòng, chống khủng bố mạng, tấn công mạng, gián điệp mạng, sự cố mạng.
Luật An ninh mạng cũng quy định rất chặt chẽ việc để đảm bảo chống lạm quyền và xác định rõ trách nhiệm của lực lượng có thẩm quyền trong sử dụng thông tin cá nhân để phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh mạng.
Luật An ninh mạng quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng với mục tiêu xây dựng không gian mạng lành mạnh, vừa đảm bảo an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân; tránh tình trạng người sử dụng không gian mạng vi phạm một số quy định về sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin cá nhân, thậm chí nhiều người phát tán, chia sẻ thông tin không chính xác, bôi nhọ cá nhân, xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
[presscloud]3018[/presscloud]
Theo Người Đưa Tin